• RSS
  • Facebook
  • Twitter
Comments

Sự kiện Bộ Thông tin và truyền thông (gọi tắt là bộ 4T) xử phạt tờ Trí Thức Trẻ vì bài viết "Gái miền Tây và 3 chữ N nổi danh thiên hạ" với mức phạt tối đa (đình bản 3 tháng và phạt hành chính 207 triệu đồng) quả là "tiếng sấm giữa trời quang" trong tình hình báo chí, nhất là báo điện tử, nước nhà hiện nay như một mớ hổ lốn rác rưởi với nhiều người làm báo khiến người ta có cảm tưởng là một đám ô hợp. Việc tờ báo "Trí thức trẻ" bị phạt là không hề oan nhưng nó lại khiến dư luận thắc mắc về việc: thế bộ 4T đã làm gì với bao nhiêu trường hợp vi phạm trước đó?

Bài viết đăng tải trên Báo Điện tử Tri Thức Trẻ trước khi bị báo này gỡ bỏ


Nói về việc vi phạm các quy định trong hoạt động báo chí trong thời gian vừa qua thì chúng tôi có thể liệt kê ra hằng hà sa số (ngay trên leubao.vn này cũng có đầy đó thôi!), nếu chiếu theo những gì được quy định trong LUẬT XUẤT BẢN (19/2012/QH13). Xin trích dẫn dưới đây "Những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động xuất bản":

Điều 10. Những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động xuất bản

1. Nghiêm cấm việc xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm có nội dung sau đây:

a) Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc;

b) Tuyên truyền kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục;

c) Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định;

đ) Xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Thậm chí theo Nghị định 159/2013/NĐ-CP của thủ tướng chính phủ, có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 thì phạm vi phạt hành chính đối với những vi phạm về nội dung thông tin còn "rộng mở" hơn:
Điều 8. Vi phạm quy định về nội dung thông tin
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không viện dẫn nguồn tin hoặc viện dẫn sai nguồn tin khi đăng, phát trên báo chí;
b) Không ghi rõ họ, tên thật hoặc bút danh của tác giả, nhóm tác giả của tin, bài khi sử dụng để đăng, phát trên báo chí;
c) Sử dụng tin, bài để đăng, phát trên báo chí nhưng không biết rõ tên thật, địa chỉ của tác giả, nhóm tác giả.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Đăng, phát thông tin sai sự thật nhưng chưa gây ảnh hưởng nghiêm trọng;
b) Minh họa, rút tít không phù hợp nội dung thông tin làm cho người đọc hiểu sai nội dung thông tin;
c) Đăng, phát thông tin về những chuyện thần bí, các vấn đề khoa học mới trên tạp chí nghiên cứu chuyên ngành nhưng không có chú dẫn xuất xứ tư liệu;
d) Tiết lộ bí mật đời tư khi chưa được sự đồng ý của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
đ) Công bố tài liệu, thư riêng của cá nhân khi chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu hợp pháp tài liệu, bức thư đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
e) Đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó, trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Đăng, phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng;
b) Miêu tả tỷ mỉ hành động dâm ô, chém, giết, tai nạn rùng rợn trong các tin, bài, ảnh;
c) Đăng, phát tin, bài, ảnh kích dâm, khỏa thân, hở thân thiếu thẩm mỹ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam;
d) Đăng, phát thông tin truyền bá hủ tục, mê tín, dị đoan;
đ) Đăng, phát thông tin về những chuyện thần bí, các vấn đề khoa học mới chưa được kết luận trên ấn phẩm không phải tạp chí nghiên cứu chuyên ngành;
e) Đăng, phát thông tin về thân nhân và các mối quan hệ của cá nhân trong các vụ án, vụ việc tiêu cực khi không có căn cứ chứng minh những thân nhân và các mối quan hệ đó liên quan đến vụ án, vụ việc tiêu cực hoặc chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
g) Khai thác để đăng, phát các văn kiện, tài liệu của tổ chức, tài liệu, thư riêng của cá nhân có liên quan đến các vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các vụ việc tiêu cực hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật đang chờ kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng không nêu rõ xuất xứ của các văn kiện, tài liệu, thư riêng;
h) Sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Đăng, phát bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia;
b) Đăng, phát thông tin xuyên tạc, vu khống nhằm xúc phạm danh dự, uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Đăng, phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng;
b) Đăng, phát thông tin kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy.

6. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Đăng, phát các tác phẩm đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu;
b) Đăng, phát thông tin gây phương hại đến lợi ích quốc gia hoặc gây mất đoàn kết dân tộc.

7. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điểm h Khoản 3, các khoản 4, 5 và 6 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng giấy phép từ 01 đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại Khoản 5 và Khoản 6 Điều này.

8. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc cải chính, xin lỗi đối với hành vi quy định tại các điểm a, b, d, đ và e Khoản 2, các điểm a, e và g Khoản 3, các khoản 4, 5 và 6 Điều này.

Nếu chiếu theo nghị định này thì có lẽ các cán bộ bộ 4T sẽ mỏi tay gõ văn bản phạt hàng loạt các trang tin điện tử đang nhan nhản trên môi trường thông tin mạng Việt Nam, mặc dù có những quy định mà một người ngoài ngành luật như tôi còn thắc mắc. Chẳng hạn như theo điểm b, khoản 6, điều 8 của Nghị định ghi là: "Đăng, phát thông tin gây phương hại đến lợi ích quốc gia hoặc gây mất đoàn kết dân tộc.". Thế nào là "gây phương hại đến lợi ích quốc gia"? hoặc thế nào là "gây mất đoàn kết dân tộc"?. Không rõ là có văn bản hướng dẫn nào dưới Nghị định này để quy định rõ ràng về điều này?

Chiếu theo trường hợp của Trí Thức Trẻ thì họ bị phạt vì "gây mất đoàn kết dân tộc" bởi họ đăng tin nói xấu về phụ nữ miền Tây. Cũng có lý! Với cùng một tiêu chí như vậy, vẫn có những trường hợp mà tôi đánh giá là nghiêm trọng không hề kém vẫn "nhởn nhơ" trêu ngươi dư luận. Xin kể ra đây vài trường hợp như:

1. Báo Phunutoday, bản quyền và phát triển bởi Công ty cổ phần Truyền thông Kết Nối Sáng Tạo, một trong những trang tin được dư luận đánh giá là rác rưởi nhất làng báo Việt, cũng có những bài viết gây phẫn nộ không kém bài về "gái miền Tây" của Trí Thức Trẻ.
- Năm 2012, Phunutoday đăng bài "Cách sống của dân tỉnh lẻ làm bẩn Hà Nội" tại đường link "http://www. phunutoday.vn/xa-hoi/doi-song/201207/Cach-song-cua-nguoi-tinh-le-lam-ban-Ha-Noi-2167835" đã gây nên sự rạn nứt không nhỏ trong mối quan hệ giữa "người Hà Nội" và "dân ngoại tỉnh". Sau đó, bài báo này bị bóc mẽ là trò "nhà báo láo" bởi chính những người trong cuộc. Những tưởng chủ quản báo này sẽ "ăn năn" nhưng không ai có thể ngờ đến sự trơ trẽn tột cùng của họ: thay đổi tên nhân vật, đổi tên bài viết, rút bỏ ảnh nhân vật và đăng lại thành một bài khác với tiêu đề "Tôi nuối tiếc cho một Hà Nội văn minh, lịch sự" (http://phunutoday.vn/doi-song/toi-nuoi-tiec-cho-mot-ha-noi-van-minh-lich-su-15585.html)!!!
- Tháng 11/2013, Phunutoday có bài viết "Đừng bao giờ lấy gái Bắc làm vợ!", đăng lại của Megafun - trang tin trực thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Xét về nội dung thì chẳng khác gì mấy so với bài của Trí Thức Trẻ, tức là cũng xúc phạm phụ nữ và chia rẽ vùng miền. Hai báo này có lẽ là "giật mình" với sự kiện của Trí thức trẻ nên đã xóa các bài viết này nhưng các bạn có thể xem lại tại đâyđây.
2. Các bài viết mang tính kỳ thị dân vùng Thanh - Nghệ. Từ một tờ thông báo tuyển dụng của một cơ sở kinh doanh nào đó ở Hà Nội, "không lấy: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh", các báo đã liên tục bươi móc, dồn dập đưa tin về sự kỳ thị đối với người lao động Thanh - Nghệ khắp trong Nam ngoài Bắc với những thông tin khó lòng kiểm chứng. Điều này khiến cho dư luận hình thành nên một nỗi ám ảnh ảo về việc kỳ thị vùng miền, dẫn đến bộc phát trên các diễn đàn mạng hình thành các nhóm, các cá nhân chuyên đi lấy việc kích động phân biệt vùng miền làm trò câu khách. Có thể nói, nếu việc kỳ thị vùng miền vốn là một đốm lửa nhỏ thì chính những bài viết trên các báo là nguồn củi khô ném vào đốm lửa đó.

Chưa dừng ở đó, khi sự kiện bạo loạn ở Bình Dương xảy ra, các thông tin ban đầu của một số báo đưa ra cũng xoáy vào trách nhiệm của những người lao động Thanh - Nghệ. Thậm chí, một "người của công chúng" là nhạc sỹ Tuấn Khanh, trong vụ việc này cũng tranh thủ tung ra những thông tin sặc mùi kích động kỳ thị vùng miền, vu cáo công an và người Thanh Hóa, Nghệ An trên blog cá nhân mình qua loạt bài "Đi giữa dòng bạo động". Xin trích dẫn từ trong một bài viết ngắn với vô số đoạn nói về người Thanh Hóa, Nghệ An như dưới đây:
“Bất ngờ tôi thấy Thy và Văn bỏ xe chạy vào đón tôi. Tín hiệu từ bên trong đã được truyền ra, giờ đây hơn 70-80 người cầm hung khí đón tôi ở cửa với ánh mắt đầy sát khí khiến Thy và Văn phải nhảy vào kèm tôi ra. Nhưng dường như không kịp rồi. Một thanh niên tóc nhuộm vàng, mặt không thể là công nhân, nhìn mặt tôi, hỏi lớn bằng giọng Thanh Hóa “Này, này, chú kia!”.”

“… Vừa chạy vừa điểm lại các sự kiện, Văn nhắc tôi rằng phần lớn những người có vẻ như chỉ huy, hướng dẫn mọi người. đều chạy trên các xe có biển số 36 – số Thanh Hóa. Tôi sực nhớ đến một người bạn ở Bình Dương đã nhắn tin nói với tôi về các cuộc bạo động xảy ra, một cách buồn phiền rằng “người Bình Dương không tệ như vậy, phần lớn các người gây bạo loạn đều đi xe số ba mươi mấy”. Quả là như vậy thật. Những người chạy trên những chiếc xe có số như 36, đều trang bị kỹ lưỡng bằng ống sắt, xà beng, cờ trống… như một cách có tính toán trước.”

“… Rồi đột nhiên một giọng Trung Bắc, kiểu giọng Nghệ An hét lên “vào đập đi anh em”. Cả đoàn người bị kích động rú ga tràn vào sân công ty, ập đến mọi nơi. Tiếng thùng gõ rầm rập. Người bảo vệ im lặng, nép mình, lùi lại. Thậm chí anh ta không dám nhìn theo những người cầm đầu vì sợ mang vạ.”

“… Một người giọng Thanh Hóa, đứng trên yên chiếc xe số 36, hét vào cửa sổ cho đám đông phá, đập hiệu quả hơn. “Đồng hồ kìa, bảng viết bằng kính kìa, đập hết đi”. Anh này hét lớn, phụ họa ngay sau đó là những tiếng xổn xoảng vang lên khắp nơi. …Hủy diệt là một mệnh lệnh rất rõ ràng, mà không phải người Việt bình thường nào đi theo đám đông cũng dám làm.”

“Một trong hai người mặc áo bộ đội thấy chúng tôi tách đoàn, đã chỉ gậy vào chúng tôi, hét lên, giọng Thanh Hóa “đi hướng này”.”
 ***

Nói về nghị định 159, chúng ta có thể thấy nói khá chi tiết về các lỗi khác nhưng những lỗi thuộc về "tuyên truyền chống phá Nhà nước", "kích động chiến tranh", "gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động", "xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc" lại được thể hiện một cách mơ hồ bằng dòng chữ: "gây phương hại đến lợi ích quốc gia". Có lẽ chính vì thế mà thời gian vừa qua, các "lều báo" được thả cửa, tự tin "bắn phá" lĩnh vực này!?

Như trên đã nói, nếu không có một văn bản hướng dẫn cụ thể nào thì đây rõ ràng là một chuyện rất lạ lùng trong nghị định 159 này. Một lô một lốc những hành vi tương đối cụ thể được quy định trong luật Xuất bản lại được tóm gọn vỏn vẹn trong một cụm từ trong khi lý ra các văn bản dưới luật cần phải diễn giải rõ hơn về những điều luật quy định. Phải chăng những người có trách nhiệm tin tưởng rằng trong thời điểm hiện nay, việc "gây phương hại đến lợi ích quốc gia" là không đáng kể nên không cần phải nói nhiều về nó? Trên thực tế thì sao? Hàng loạt những bài viết mang tính "kích động chiến tranh", "gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước" được núp bóng dưới danh nghĩa "bài Trung" xuất hiện nhan nhản trên các trang báo. Các "lều báo" cũng thi nhau khua môi múa mép về đề tài Hoàng Sa để tìm cách vinh danh chế độ ngụy quyền bằng chính những bài viết cắt tỉa từ các tài liệu tâm lý chiến của chế độ Sài Gòn xưa kia, đồng thời tìm mọi cách để xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN trong cuộc chiến tranh chống lại Trung Quốc tại biên giới phía Bắc. Thậm chí, một số báo đã từng dành riêng chuyên mục cho những người đã công khai chống phá lý tưởng xây dựng XHCN ở nước ta như ông Nguyễn Quang A,...

Không chỉ ở diễn đàn trong nước, nhiều cá nhân - nhóm người trong nước hiện nay còn công khai đăng đàn tại các tờ báo nước ngoài để ngang nhiên công kích chính quyền, nhà nước CHXHCN Việt Nam cũng như bôi nhọ tư tưởng chính trị mà đất nước đang theo đuổi. Lấy ví dụ như ông nhạc sỹ Tuấn Khanh trong bài viết "Vì sao gây bạo động ở Bình Dương?" đăng trên BBC Việt ngữ đã ngông cuồng thể hiện hầu hết những gì mà cụm từ "phương hại đến lợi ích quốc gia" đã cố gói ghém bằng những ngôn từ quy chụp, võ đoán đầy ẩn ý:

"Chắc chắn là những thành phần chủ hàng-chủ hoà với Bắc Kinh, từ ngày 14/5, bắt đầu có thể lên giọng về chuyện nên hoà hoãn với Trung Cộng để đối phó nội loạn, cũng như tập trung bảo vệ chế độ.
Những kẻ bán nước giấu mặt có thể sẽ giành quyền đàm phán với Bắc Kinh lúc này với lộ trình quỳ gối đã được viết sẳn.
Những cuộc trấn áp ra oai sẽ xuất hiện trong nước với tần suất mới. Những người yêu nước chống Trung Quốc và chống những kẻ bán nước sẽ bị đặt ra ngoài vòng pháp luật trong một vòng vây tăm tối mới."

"Trong những bài báo bị rút xuống vội vã của Nhà nước Việt Nam, người ta tìm thấy chi tiết bất thường về việc vài mươi người dẫn đầu rất hung hăng, luôn cầm cờ đỏ sao vàng như một cách để giới thiệu rõ mình là người Việt Nam. Đó là những người lạ mặt, được dân chúng trong vùng xác nhận, và họ luôn kích động mọi người đập phá, xô ngã mọi thứ."

"Điều gì đang diễn ra, ồn ào nhưng rất bí ẩn? Đã có không ít đồn đoán về chuyện ai là người đứng sau các cuộc bạo động chỉ có lợi cho Trung Quốc và những kẻ chủ trương bán nước này.
Nhưng dù là ai, cuộc trình diễn bất thường này đang cho rất nhiều người Việt một cảm giác lạnh sống lưng về hai chữ "mua chuộc", và cảm giác của một quốc gia đứng trước bờ vực xâm lăng, mất nước, chưa bao giờ hiện rõ như lúc này."

Vậy phải chăng các nhà quản lý đã quá lơ là trong việc kiểm soát báo chí nói chung và bỏ lỏng lĩnh vực "nhạy cảm" về chính trị - lịch sử nói riêng trong thời gian vừa qua? Cũng qua trường hợp của ông Tuấn Khanh trên đây, tôi thắc mắc không rõ đã có điều nào trong các văn bản pháp luật quy định chế tài về việc cá nhân - tổ chức đăng thông tin thất thiệt hoặc "phương hại đến lợi ích quốc gia" trên các phương tiện truyền thông nước ngoài hay chưa?

Tất nhiên trong thời đại thông tin bạt ngàn, dồn dập như muỗi rừng U Minh thế này thì việc các cơ quan chức năng có thể xử lý tất cả các bài báo, hành vi sai phạm của cá nhân tác giả và các tờ báo là chuyện bất khả thi. Nhưng hy vọng với "phát pháo lệnh" trong vụ Trí Thức Trẻ này, những người có trách nhiệm sẽ tích cực và mạnh tay hơn nữa trong việc lập lại kỷ cương, làm trong sạch nền báo chí truyền thông nước nhà. Bên cạnh đó, cũng hy vọng rằng các cơ quan chức năng cũng xem xét lại những vấn đề còn bất cập trong nghị định 159 và việc "cõng rắn cắn gà nhà" trên báo chí nước ngoài của một số người trong nước.
@Nguyễn Thanh Tùng

Phụ lục: Toàn văn nghị định 159/2013/NĐ-CP

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))