Sự việc bắt đầu khi báo điện tử Một Thế Giới (MTG) đăng bài với tiêu đề "Có thể coi giàn khoan Trung Quốc là 1 đơn vị đầu tư nước ngoài" vào lúc 17:23 ngày 9/5/2014. Bài báo này "xào" lại từ đoạn phỏng vấn Đại tá Nguyễn Đình Trương, nguyên Cục trưởng Cục Đông Bắc Á, Bộ Công An phân tích vụ việc Trung Quốc đặt giàn khoan tại Việt Nam của phóng viên báo điện tử Trí Thức Trẻ đăng trên trang Soha.vn, trong đó có đoạn: “Phương pháp đấu tranh của mình là phải làm sao để giữ lợi ích đôi bên, trên cơ sở thỏa thuận, bàn bạc. Trong trường hợp nhất định nào đó, mình vẫn có thể giữ nguyên giàn khoan như một đơn vị nước ngoài vào đầu tư, nhưng phải có nguyên tắc và lợi ích của ta là phải thật đảm bảo”. Có thể ông đại tá này đã lớn tuổi và thiếu thông tin hoặc phản ứng không hợp lý với cách đặt vấn đề của tay phóng viên (tôi cho rằng ông ấy chỉ nghĩ đến việc cho Trung Quốc thầu lô thăm dò - khai thác dầu khí ở đây như các đơn vị quốc tế) nhưng nguồn cơn gây "mưa đá dư luận" chính là từ chiêu trò giật tít câu "viu" bằng một cây khẳng định: Có thể coi giàn khoan Trung Quốc là 1 đơn vị đầu tư nước ngoài.
Ngay sau đó, trưa ngày 10/05 báo điện tử Petrotimes có một bài phản đối với ngôn từ "triệt hạ": Luận điệu của báo Một Thế Giới: Hèn và phản bội! Cũng không vừa, ngay tối hôm đó, MTG tung ra phản đòn với bài viết "Báo Petrotimes không nên lợi dụng “câu, chữ” để đả kích đồng nghiệp, làm lợi cho đối phương trong lúc này" (bài viết đã bị gỡ bỏ trên MTG), trong đó tố Petrotimes cũng chẳng phải loại "đoan chính" gì, thậm chí "oánh" luôn cả tổng biên tập tờ báo này. Đương nhiên, phe "nhà dầu", lĩnh vực đóng góp đến 20% GDP cả nước làm sao chịu chấp nhận một kẻ mới "nứt mắt" (giấy phép xuất bản tháng 07/2013), dù rằng nó tự xưng là "một thế giới", vuốt mặt được. Phát ngôn "nhà dầu" ngay sau đó đã "đốp chát" lại bằng lời khẳng định chắc như đinh đóng cột: Báo Một Thế Giới lại vẫn… hèn!
Vậy là trong lúc trên biển Đông, tàu Việt Nam và Trung Quốc đang đấu súng nước qua lại như hai con rồng Đông Hải thì trong đất liền, trên mạng thông tin, hai báo cũng có màn đấu nước bọt ướt cả bàn phím tựa hai bà sồn sồn bán cá chợ chiều. Trước giờ người đọc chỉ được thấy cảnh các báo thi đua vạch lá tìm sâu, "dìm hàng" các ngành nghề, lĩnh vực khác thì nay rất bất ngờ trước cảnh nội bộ ngành báo cắn xé nhau. Âu cũng là chút đền bù cho các nạn nhân của báo chí được bớt phần ấm ức. Chính vì vậy, một số tờ báo khác như tờ Nhà báo và công luận (http://congluan.vn) đã phải ngay lập tức nhảy vào can thiệp bằng bài viết: Giữa chảo lửa, Petrotimes và Một thế giới có... đình chiến? Không hiểu có phải do sự can gián của người trong ngành hay do "biết thân biết phận" mà trang MTG đã gỡ tất cả các bài viết liên quan xuống. Petrotimes thì chưa. Phải vậy chứ, là đại gia ngành dầu thì phải cứng như thế, sợ gì bố con thằng nào! Nhỉ!
Do đó, cuộc báo chiến này không rõ có còn tiếp tục nữa không nhưng hy vọng đây sẽ là tiền lệ để khuấy động phong trào "soi và tự soi" lẫn nhau trong giới báo chí nước nhà vốn đã quá nhiều sâu mọt, nhố nhăng...
Vậy lều báo đã cắn nhau và hành động của chúng ta là gì?
Chẳng làm gì cả, chỉ "tọa sơn quan hổ đấu" và cho đám lều báo đó thấm thía cảnh "bị soi", bị bêu riếu và (có thể) bị làm tiền như những nạn nhân của họ trước đó. Hy vọng sau khi đã nhận "quả" thì các "lều báo" nhà ta sẽ sớm tỉnh ngộ để tạo "nhân" cho nó tốt.
Trong lúc đó, mời các bạn theo dõi lại loạt bài tham chiến ngay dưới đây.
(PetroTimes) - Sau khi PetroTimes đăng tải bài viết “Luận điệu của báo Một Thế Giới: Hèn và phản bội”, ban biên tập tờ báo này đã có phản hồi mang tính chất kích động. Nhưng điều đáng nói là Một Thế Giới không nhận ra sai lầm của mình trong việc nêu quan điểm đi ngược với quyền lợi của đất nước.Báo Petrotimes không nên lợi dụng “câu, chữ” để đả kích đồng nghiệp, làm lợi cho đối phương trong lúc này
Việc tờ báo - một cơ quan tuyên truyền lại đi nói quan điểm đi ngược lại quyền lợi của dân tộc là điều không thể chấp nhận. Bất kể đó là phát biểu của ai, của cán bộ cao cấp nào. Đây cũng là bài học về công tác tuyên truyền trong các vấn đề lớn của đất nước.
Tờ Một Thế Giới đăng tải ý kiến của một cựu cán bộ cao cấp trong ngành công an nói về việc “thỏa hiệp” với Trung Quốc trong vụ giàn khoan HD 981. Gợi ý mang vấn đề chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng ra mặc cả như một bài toán kinh tế. Quan điểm này nhanh chóng vấp phải sự phản đối gay gắt của dư luận, nhân dân.
Tiếc rằng, ban biên tập tờ báo này đã không nhận thức được lỗi của mình, không nghiêm túc rút kinh nghiệm, công khai xin lỗi độc giả, xin lỗi người dân mà bảo thủ, tiếp tục đi từ xúc xiểm dân tộc sang xúc xiểm cá nhân những người làm báo.
Báo Một Thế Giới cũng không “ngượng miệng” khi công khai khẳng định việc mình “xào” bài của báo Tri thức trẻ (Soha News). Và tiện thể “đổ tội” cho tờ báo này mặc dù bài viết trên Tri thức trẻ đã được rút xuống từ lâu.
Một Thế Giới nên nhớ rằng các cơ quan quản lý văn hóa, báo chí đã có quy định từ lâu rằng: Một cơ quan báo chí khi đăng lại bài của báo khác, mà nếu bài đó viết sai, thì cũng phải chịu trách nhiệm… Chứ chưa nói đây là “ xào xáo” bài!
Và lẽ ra, Một Thế Giới nếu có tranh luận với PetroTimes thì cũng nên tranh luận về việc đúng-sai; nên hay không nên; hoặc trách nhiệm của mình trong việc đăng tải bài viết đó, thì họ lại “bới bèo ra bọ” và dẫn ra những chuyện chẳng liên quan gì. Thậm chí lại đi kêu hộ cho những người khác… Thật lạ!
Còn như định tránh né chủ đề chính bằng kiểu lấp liếm thì cũng thật là xoàng và cũng lại…hèn!
Đây là lúc cả dân tộc đang hướng về Hoàng Sa thiêng liêng, các tờ báo cần dành nhiều thời lượng để tuyên truyền cho chủ quyền biển đảo, không phải là lúc để đôi co, bút chiến. Chỉ có điều, nhân dân chắc chắc sẽ không bao giờ tha thứ cho những kẻ nói tiếng nói trái ngược với quyền lợi của cả dân tộc.
Lưu Thủy
Báo Petro Times điện tử (tin nhanh Năng lượng mới, Hội dầu khí Việt Nam) trong mục Đàm Luận có đăng bài “Luận điệu của báo Một Thế Giới: Hèn và phản bội!”. Đây là một bài viết với những lý lẽ không thể nào chấp nhận được.Luận điệu của báo Một Thế Giới: Hèn và phản bội!
Chúng tôi xin nói rõ với quý độc giả như sau:
Lập trường của báo Một Thế Giới từ trước tới nay là rõ ràng: Không bao giờ chấp nhận thái độ ngang ngược của phía Trung Quốc đối với chủ quyền bất khả xâm phạm của Việt Nam trên đất liền, cũng như trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa và đặc biệt là bản đồ ngụy xưng đường 9 đoạn trên biển Đông mà Trung Quốc thường xuyên căn cứ vào đó để có những đòi hỏi bất hợp pháp. Lập trường đó là nhất quán trên tất cả bài vở từ ngày thành lập báo cho đến nay.
Ngày 9.5.2014 phóng viên của báo có đưa một tin trích đoạn bài phỏng vấn của phóng viên báo điện tử Trí Thức Trẻ đăng trên trang Soha.vn, với tiêu đề “Có thể coi giàn khoan Trung Quốc là một đơn vị đầu tư nước ngoài”, lấy ý kiến của đại tá Nguyễn Đình Trương, nguyên cục trưởng cục Đông Bắc Á, Bộ Công an.
Chúng tôi coi đó là một ý kiến, chứ chưa bao giờ nói rằng đồng tình với quan điểm này, trong phần giới thiệu những ý kiến đó, phóng viên đã nói rõ: “Trong bối cảnh người dân trên cả nước phẫn nộ trước hành động ngang ngược, trái phép của Trung Quốc khi đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam. Càng bức xúc hơn khi Trung Quốc liên tục có những hành động gây hấn, huy động cả máy bay, tàu chiến đâm thẳng vào tàu Cảnh sát biển, tàu kiểm ngư của Việt Nam khiến nhiều tàu hư hỏng và 6 người bị thương”.
Sau đó chúng tôi dẫn tiếp phát biểu của ông Trương. Câu cuối cùng ông Trương nói: "Mổ xẻ về những nguyên nhân khiến tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng như hiện nay mà ông đã nhận định rằng một phần do phía mình quá chủ quan, không nắm bắt tình hình và ý đồ của phía Trung Quốc, từ đó chưa tạo ra thế chủ động".
Đây là một tin trích lại từ trang tin Soha.vn. Chúng tôi cũng nói rõ ràng không có dòng nào chúng tôi đồng tình với quan điểm của ông Trương. Chúng tôi định để cho bạn đọc tiếp tục có ý kiến tranh luận với ý kiến này nhưng sau đó xét rằng tiêu đề trên dễ gây hiểu lầm nên Ban Biên tập quyết định gỡ bỏ bài báo trước khi Petro Times "đục nước béo cò".
Việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 cùng với các tàu chiến, tàu kiểm ngư… vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách đảo Lý Sơn 50 hải lý là hành động xâm lược trắng trợn. Không thể nào để cho hành động đó được hợp thức hóa bằng cách coi họ là đơn vị đầu tư. Chiều nay, chúng tôi cũng vừa đăng tin nhân dân TP.HCM tuần hành phản đối trước Tổng lãnh sự quán Trung Quốc về việc họ ngang ngược đặt giàn khoan HD 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trở lại với bài viết nói trên, có chăng cái tiêu đề của phóng viên báo Một Thế Giới đã gây hiểu lầm và Petrotimes đã lợi dụng khai thác theo hướng đả phá đồng nghiệp và “tự nâng cao lòng yêu nước sáo rỗng của mình”.
Chúng ta đã biết Petro Times từng có nhiều loạt bài đánh vào những người có thành tích rất hiển hách tấn công băng nhóm tội phạm Năm Cam. Vụ án đó đã được sự chỉ đạo chặt chẽ của các cơ quan hữu quan trong đó có Bộ Công an. Trong số các cán bộ đó sau này có sai phạm trong công tác đã được Tổng biên tập báo Petro Times luôn dùng cụm từ “những người hùng trong vụ Nam Cam đã thế này, đã thế kia”. Đó là một ẩn ý thiếu lành mạnh và ngay thẳng.
Hai việc đó là tách bạch, ai có công trong công tác phòng chống tội phạm có tổ chức, triệt phá tận gốc một tập đoàn tội ác từng làm băng hoại xã hội, làm bất ổn đời sống nhân dân đã được Nhà nước và nhân dân ghi nhận. Ai có những sai phạm thì phải nghiêm khắc phê phán. Không việc gì phải ra sức bênh vực những tập đoàn tội ác đó bằng cách mỉa mai, vu khống với những chiến sĩ đã lập chiến công ở ngành công an mà chính ông Tổng biên tập báo Petro Times đã từng mang hàm đại tá khá lâu trước khi qua làm Tổng biên tập của Petro Times thuộc ngành dầu khí. Có dịp chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này với nhiều tài liệu mà chúng tôi đang nắm giữ.
Vụ Dương Chí Dũng mới đây cũng vậy, Petro Times từng đưa ra những tình tiết mà ai tinh ý cũng biết để cố tình lấp liếm cho tội của Dương Chí Dũng và đồng bọn mà phiên tòa phúc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao vừa qua đã khẳng quyết bằng bản án tử hình. Thậm chí còn có những bài viết mang ý ngợi khen Dương Tự Trọng khi lợi dụng chức quyền là Phó giám đốc Công an Hải Phòng để tổ chức cho Dương Chí Dũng bỏ trốn.
Tổng Biên tập Petro Times đã từng dùng tờ báo của mình để đánh vào những người có công và yêu nước như Trung tướng Nguyễn Việt Thành và những đồng sự của ông như chúng tôi đã nói ở trên, khi có một số chiến sĩ tham gia đánh vụ Năm Cam nhưng sau đó mắc phải một số khuyết điểm khác không liên quan gì đến vụ án trước.
Trong lúc này, toàn quân toàn dân cần đề cao cảnh giác và chống lại việc Trung Quốc ngang nghiên xâm phạm vùng biển của Việt Nam, đưa giàn khoan cùng tàu quân sự vào vùng biển nước ta, thách thức lòng yêu nước và ý chí của cả dân tộc ta. Petro Times hãy dừng ngay những trò vu cáo bỉ ổi để tập trung vào nhiệm vụ cấp bách trong lúc này.
"Có thể coi giàn khoan Trung Quốc là 1 đơn vị đầu tư nước ngoài"
“Trong trường hợp nhất định nào đó, mình vẫn có thể giữ nguyên giàn khoan Trung Quốc như một đơn vị nước ngoài vào đầu tư, nhưng phải có nguyên tắc và lợi ích của ta là phải thật đảm bảo”.
Trao đổi với báo chí ngày 8.5, đại tá Nguyễn Đình Trương, Nguyên Cục trưởng cục Đông Bắc Á, Bộ Công an phát biểu như trên, trong bối cảnh người dân trên cả nước đang phẫn nộ trước hành động ngang ngược, trái phép của Trung Quốc khi đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam.
Càng bức xúc hơn khi Trung Quốc liên tục có những hành động gây hấn, huy động cả máy bay, tàu chiến đâm thẳng vào tàu Cảnh sát biển, tàu kiểm ngư của Việt Nam khiến nhiều tàu hư hỏng và 6 người bị thương.
Ông Trương nói tiếp:“Phương pháp đấu tranh của mình là phải làm sao để giữ lợi ích đôi bên, trên cơ sở thỏa thuận, bàn bạc. Trong trường hợp nhất định nào đó, mình vẫn có thể giữ nguyên giàn khoan như một đơn vị nước ngoài vào đầu tư, nhưng phải có nguyên tắc và lợi ích của ta là phải thật đảm bảo”.
Cũng theo quan điểm của ông Trương: "Anh có tài sản làm trên đất tôi thì cũng như các công ty khác. Coi như đến đất nước tôi để đầu tư. Lợi nhuận sẽ được chia để đảm bảo lợi ích 2 bên. Giải quyết như thế là hợp tình, hợp lý.
Đây có thể là một hình thức giải quyết duy trì được hữu hảo. Tôi tin, đối ngoại của ta sẽ giải quyết tốt. Mình có thể bàn bạc, thương lượng để coi như là một doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư”.
Nói về tình hình căng thẳng mà Trung Quốc đang cố gắng tạo ra trên Biển Đông Việt Nam, Đại tá Trương cho trằng tình hình Biển Đông nếu diễn biến xấu đi thì không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam và Trung Quốc mà ảnh hưởng đến cả một vùng biển. Mà như thế thì Quốc tế cũng đánh giá nước mình.
“Tại sao khi mà trên đất mình có bao nhiêu công ty nước ngoài vào đầu tư, thì tại sao mình không giải quyết theo hướng đôi bên cùng có lợi?”, ông đặt vấn đề.
Mổ xẻ về những nguyên nhân khiến tình hình biển Đông trở nên căng thẳng như hiện nay, Đại tá Trương cũng nhận định rằng, một phần do phía mình đã quá chủ quan, không nắm bắt được tình hình và ý đồ của phía Trung Quốc.Từ đó chưa tạo ra được thế chủ động.
PV tổng hợp