Mấy hôm nay dư luận đang "dậy sóng" vì một bài báo trên trang RIA Novosti của Nga, có những nhận định sai trái về mối quan hệ Việt - Trung thời điểm hiện tại cũng như trong quá khứ. Đây thực sự là một cú sốc đối với nhiều người vì chúng ta đã quen với "mối thâm tình" Nga - Việt từ gần hơn nửa thế kỷ nay. Bài viết đó đã nhận được nhiều phản ứng của bạn đọc Việt cũng như Nga và nhà báo Trần Đăng Tuấn, nguyên Phó Tổng Giám đốc VTV, cũng đã gửi thư ngỏ đến TGĐ tổ hợp truyền thông 'Nước Nga ngày nay' để đưa ra lời mời "thảo luận mở" với tác giả bài viết, ông Dmitri Kosyrev.
Như vậy có thể thấy trong thời đại thông tin ngày nay, "lều báo" hay đám bồi bút có mặt ở khắp nơi!
Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu với các bạn bài viết "gốc" của tác giả Lưu Hải Hà gửi đăng trên VTCnews về vấn đề này.
RIA Novosti (РИА Новости) hoặc ngắn gọn là RIA là một trong những hãng thông tấn lớn nhất Liên Xô và Nga. Mục tiêu của hãng – đưa tin một cách nhanh chóng, cân nhắc và khách quan về các sự kiện trên thế giới, truyền đạt tới công chúng quốc tế về cái nhìn của Nga đối với tình hình (Xem tại http://ria.ru/docs/about/index.html).
Với một bề dày truyền thống và sứ mạng phát biểu như vậy, bài báo “Những thỏa thuận giữa Moskva và Bắc Kinh tốt hơn mọi thông báo” (Соглашения между Москвой и Пекином лучше всяких деклараций) của Dmitri Kosyrev đăng trên RIA Novosti đã gây thất vọng sâu sắc cho người Việt Nam.
Bài báo mở đầu bằng những nhận định của các chuyên gia khác nhau trước chuyến thăm Trung Quốc của tổng thống LB Nga Vladimir Putin, và ngay sau đó là một tiểu mục về “Ucraina của Trung Quốc”. Tác giả Kosyrev khẳng định một cách đầy võ đoán – Việt Nam và Philippines đóng vai trò giữa Trung Quốc với Mỹ và phương Tây tương tự như Ucraina đã làm đối với Nga. Việc Trung Quốc sơ tán người dân sau những sự kiện đáng tiếc ở Bình Dương và Hà Tĩnh được Kosyrev cho rằng “Trung Quốc đã phải cứu công dân của mình khỏi bạo loạn ở Việt Nam”. Đó là một góc nhìn kỳ lạ, cố tình gây căng thẳng một cách không cần thiết.
Tiểu mục tiếp theo trong bài báo “Việt Nam – không phải Trung Quốc”. Trong tiểu mục này, Kosyrev đã xuyên tạc sự thật khi viết dàn khoan là nằm trên thềm lục địa, cách bờ biển Trung Quốc 27 km và cách bờ biển Việt Nam tận 241 km, cố tình cho rằng quần đảo Hoàng Sa hoàn toàn thuộc về Trung Quốc. Trong tiểu mục này, Kosyrev có một đoạn nhấn mạnh đóng khung rất đáng phê phán. Xin dẫn ra nguyên văn và phần dịch:
Почему Вьетнам — это китайская Украина: история очень давняя. Две тысячи лет назад Вьетнам был частью Китая. Но с 880 года — уже нет. Все последующие века вьетнамские интеллектуалы тратили немало усилий, чтобы показать: Вьетнам — не Китай.
Tại sao Việt Nam lại là Ucraina của Trung Quốc: đó là lịch sử lâu đời. Hai ngàn năm trước, Việt Nam là một phần của Trung Quốc. Nhưng từ năm 880 – thì không còn. Tất cả các thế kỷ tiếp theo giới trí thức Việt Nam đã bỏ ra rất nhiều công sức để chứng tỏ: Việt Nam – không phải Trung Quốc.
Đây là đoạn trích khiến cho bất kỳ một người dân Việt Nam yêu nước nào cũng phải thấy phẫn nộ. Đúng, trong lịch sử Việt Nam có khoảng đen của 1000 năm Bắc thuộc, đó là thời kỳ Việt Nam bị Trung Quốc cai trị, nhưng trước đó và sau đó, Việt Nam luôn là quốc gia độc lập với Trung Quốc. Không thể hình dung được, một nhà báo chuyên về khu vực Đông Nam Á với bao nhiêu năm kinh nghiệm lại có thể thể hiện sự yếu kém về mặt kiến thức như vậy. Đây chỉ có thể là sự cố tình bẻ cong sự thật lịch sử mà thôi.
Tiếp đó, tác giả Kosyrev tiếp tục đưa ra những luận cứ rất đáng tranh cãi - tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc rất giống với Việt Nam, ngôn ngữ của tỉnh này cũng khó hiểu đối với người Trung Quốc từ các tỉnh khác, cũng như tiếng Việt. Không thể hiểu nổi lô gic của tác giả trong luận cứ này. Kosyrev cũng hoàn toàn bỏ qua những khác biệt về bề ngoài, ngôn ngữ, văn hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc, để đưa đến một kết luận: tình hình làm cho Việt Nam trở thành một công cụ thuận tiện để tạo ra vấn đề cho Trung Quốc - như Ucraina đối với Nga.
Tiếp theo, trong bài báo nêu trên, tác giả thông tin về dự định muốn quay lại khu vực Đông Nam Á của Mỹ, và kết luận – tình hình hoàn toàn giống như những điều Mỹ đã làm ở Grudia và Ucraina đối với Nga, chỉ có điều, vai đối trọng với Mỹ được giao cho Trung Quốc. Người đọc có thể thấy ngay – Kosyrev muốn biện hộ cho các hành động vũ lực trong tương lai gần của Trung Quốc, quả là một mong muốn hết sức vô tư của tác giả.
Và trong phần kết luận, tác giả bài báo cho rằng, việc một số lượng kỷ lục các thỏa thuận được ký giữa Nga và Trung Quốc còn tốt hơn mọi tuyên bố to tát, vì những tuyên bố to tát này là dành cho công chúng, mị dân. Còn Nga và Trung Quốc thì hành động theo những gì họ thấy cần.
Ngay từ khi được đưa lên trang web của RIA Novosti, bài báo này đã khiến cho nhiều người đọc Việt Nam, và không chỉ Việt Nam phẫn nộ. Những bình luận của độc giả ngay dưới bài báo, cũng như trên trang Facebook của RIA cũng cho thấy điều này.
Độc giả Hoang Thu Huong đã bình luận:
Thật là vớ vẩn khi viết: "Việt Nam là một phần của Trung Quốc" , và quần đảo Hoàng Sa "bờ biển của Trung Quốc".
Việt Nam đã nhiều lần bị Trung Quốc xâm chiếm, thậm chí trong quá khứ xa xôi bị Trung Quốc cai trị gần một ngàn năm, nhưng không bao giờ Việt Nam là một phần của Trung Quốc. Và Quần đảo Hoàng Sa cũng không thuộc Trung Quốc - chỉ có Trung Quốc cố gắng bằng mọi cách để biến chúng thành của riêng mình thôi. Các luận cứ trong bài báo của Dmitry Kosyrev là không đúng sự thật. Tôi mong rằng tác giả nghiên cứu lịch sử Việt Nam không phải với góc nhìn Trung Quốc, mà từ một quan điểm khách quan hơn.
Ngoài ra, Việt Nam hoàn toàn không phải là Ucraina của Trung Quốc! Đó là một sự xuyên tạc lịch sử của tác giả.
Đáng tiếc, RIA Novosti, Dmitry Kosirev – là những cái tên uy tín, nhưng việc xuất bản bài viết nói trên khiến cho RIA Novosti làm xấu đi hình ảnh của mình không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới.
Độc giả Nguyen Nhu Man thì viết:
Ít ra, không thể viết rằng các hòn đảo đang tranh chấp lại thuộc hoàn toàn về một bên như thế. Tôi muốn nhắc cho tác giả, rằng Philippines và Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc giải quyết vấn đề về các hòn đảo tranh chấp ở Biển Đông, nhưng Trung Quốc luôn từ chối. Còn sự phủ nhận khác biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc của tác giả thì hoàn toàn phi lô gic.
Rất nhiều độc giả khác cho rằng bài báo đã làm cho họ thất vọng, đặc biệt với sự “khách quan” của Dmitry Kosyrev.
Độc giả Nam Eto Ya thì viết:
Việt Nam và Trung Quốc không phải là Ucraina và Nga thời kỳ Liên Xô. Cho đến năm 1974 Quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam, không có tranh cấp gì. Trung Quốc đã chiếm quần đảo này trong thời gian chiến tranh Việt Nam. Đó là lịch sử!
Độc giả Svetlana Potapova thì viết: “Đây là một sự khiêu khích khủng khiếp chứ không phải bài báo”!
Còn độc giả Nguyễn Đình Hiển thì thất vọng với RIA Novosti:
"RIA là một hãng tin nghiêm túc, vậy mà lại cho phép mình mắc những lỗi sơ đẳng và ngu ngốc như vậy!"
Thật đáng tiếc, với bề dày truyền thống của mình RIA Novosti lại để bài báo trên xuất hiện trên trang của mình, trong khi nhiều nhà báo nghiêm túc, nhiều tờ báo khác lại đăng những bài viết khách quan và cân nhắc hơn nhiều!