• RSS
  • Facebook
  • Twitter
Comments

1Anh biết hai người anh, một người gọi là anh Cả vì sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, một người gọi là anh Hai vì sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Năm 74, anh Hai tốt nghiệp Võ bị Đà Lạt, ngày tốt nghiệp là ngày nổ súng ở Hoàng Sa. Năm 74, anh Cả tốt nghiệp lớp 10 và tình nguyện nhập ngũ. Năm 75, anh Cả, áo Tô Châu, mũ cối, dép râu, ngồi xe Giải phóng chạy sau xe tăng kéo vào Đà Nẵng. Năm 75, hạm tàu xuôi Nam, anh Hai đứng nhìn những xà lan đầy người tị nạn bị cắt dây bỏ lại giữa trùng dương sóng vỗ.

Ngày 25, anh Hai rời Vũng Tàu về Sài Gòn tìm vợ con. Ngày 25, anh Cả biên vài chữ gửi miền Bắc - "bọn con sắp tới Sài Gòn".

Sáng 28, anh Hai trình diện ở Bộ Tư lệnh Hải quân. Viên Trung tá già lắc đầu bảo anh Hai "Long Thành đã bị cộng quân chiếm, trung úy chẳng thể đi bằng đường bộ." Anh Hai trả lời "nhưng tôi phải về với hạm đội". Chiều 28 anh xuống tàu tuần giang nhằm hướng Vũng Tàu.


Sáng 28, người đại đội trưởng, dân tập kết lôi anh Cả khỏi chiếc T-54 đi đầu: "Ngồi phía sau, xe đi đầu thường bao giờ cũng bị bắn trúng". Chiều 28, một quả M72 bắn trúng tháp pháo chiếc tăng đi giữa. Anh Cả bay một vòng và rơi xuống cách chiếc tăng 5 mét. Khi mở mắt, anh Cả thấy người đại đội trưởng già nằm nghiêng không nhắm mắt.

Ngày 29, anh Hai nhận lệnh của Bộ tư lệnh Hải quân "hễ thấy A37 bay qua, không kể phi đoàn nào cũng bắn!". Ngày 29, anh Cả tháo cây B41 khỏi tay người bạn. Xe cháy rực đường, bộ đội ngổn ngang bên vệ cỏ. Người chính trị viên gào to lạc giọng "để lại cho đồng bào, để lại cho đồng bào, về Sài gòn thẳng tiến".

Trưa ngày 30, người hoa tiêu lay anh Hai dậy "đầu hàng rồi thày ơi!" anh Hai ngước nhìn lên trời xanh hun hút. Ngoài khơi thuyền đan san sát, hạm đội đang về Nam. Anh Hai xả nước cho chìm tàu tuần giang, theo hạm đội về tập kết Côn Đảo.

Trưa ngày 30, anh Cả lặng đi khi thấy dinh Độc Lập, 18 tuổi, anh đã đi chặng cuối con đường dài 30 năm của dân tộc.

Ngày mồng 1, anh Cả nheo mắt, đứng ngắm nhìn nắng nhảy múa trên ngọn cây Sở thú, cây AK vẫn sẵn sàng bên hông. Ba mươi năm sau giữa Sài Gòn, anh Cả bảo "thời chiến tranh tao bắn nhiều mà chẳng trúng được ai, bắn con người khó lắm."

Chiều ngày 1, anh Hai nhìn những con tàu nổi khói về phía Thái Lan. Không còn hạm đội, không còn Hải quân, chỉ duy nhất hạm tàu anh quay trở lại. Ba mươi năm sau giữa Sài Gòn, anh chỉ con gái bảo "ngày đó anh quay về là vì con bé" và anh thêm "nhưng đến giờ nghĩ lại việc đã qua, anh vẫn không thấy tiếc".

★★★

2Anh thường được mọi người gọi là Thày Hai. Anh cao lêu đêu như một cái sào nên đôi khi bạn bè cũng gọi anh là ông "Sào". Thày Hai nhập ngũ cuối năm 1974. Ngày chưa nhập ngũ, thày Hai học ở ngôi trường cấp ba cổ kính ven Hồ Tây. Trường có một truyền thống lâu đời và đã đào tạo một số các nhà lãnh đạo chủ chốt của cách mạng. Tuy nhiên, thày Hai là dân siêu quậy. Thứ hai nào tên thày Hai cũng được nêu lên trước toàn trường vì thành tích quậy phá của mình. Năm 1974, thày Hai nhập ngũ dù chưa đủ tuổi. Ba thày Hai, quá mệt vì cái sự quậy của thày, khi nghe tin thày nhập ngũ đã nói "thôi thà mày hy sinh cho Tổ quốc còn hơn!".

Đầu năm 75, thày Hai vượt Trường Sơn vào Nam và được phiên chế vào lực lượng an ninh Miền. Thày di chuyển theo bộ tư lệnh Miền từ Tây Ninh về tới Củ Chi theo nhịp tiến của các cánh quân giải phóng Sài Gòn. Ngày 29/4/1975, đại đội của thày Hai được tập hợp lại. Người chính trị viên phổ biến cho mọi người rằng Sài Gòn sắp giải phóng, đại đội sẽ thọc sâu vào Sài Gòn để làm một nhiệm vụ đặc biệt - giải cứu ông Nguyễn Tài - người tù nhân trong căn phòng trắng. Mọi người được phổ biến rằng họ sẽ vượt trước các đơn vị quân đội, thọc sâu vào trung tâm Sài Gòn. Trên đường đi, họ sẽ phải bỏ qua mọi ổ kháng cự để đến được nơi giam giữ ông Nguyễn Tài - vị trí đã được tình báo xác định. Đại đội sẽ phải chốt lại đó để bảo vệ ông Tài tới khi viện binh tới hoặc mở đường máu để rút về Củ Chi nếu tình hình chiến sự giằng dai. Thày Hai cao to nên được giao giữ một cây trung liên của Liên Xô mới coong.

Đêm 29 mọi người không ngủ. Mờ sáng 30/4 cả đại đội ra ven rừng đợi xe của Miền tới. Thày Hai ôm cây trung liên và bốn trăm viên đạn đeo xệ hông. Tất cả ngồi yên nhìn đăm đăm ra bìa rừng và lắng nghe tiếng pháo tầm xa vọng từ Sài Gòn về. Mấy người bạn là lính cựu ghé tai thày Hai: "Hai ơi, mày còn gì ăn trong ba lô thì mang ra hết đi. Mày giữ trung liên thì chắc chắn phải chốt hậu. Giữ thức ăn mà làm gì!" Thày Hai tới lúc đó mới hiểu tại sao những người lính cựu thường tránh nhiệm vụ giữ cây trung liên của đại đội. Mười bảy tuổi, ôm cây trung liên bên bìa rừng Củ Chi trong bảng lảng sương sớm, thày Hai chợt nhớ ánh nắng bên Hồ Tây những ngày thơ quậy phá.

Chờ mãi, chờ mãi, xe của Miền không tới. Tới trưa, một người sỹ quan chạy từ trong rừng tới reo to "đầu hàng rồi, Dương Văn Minh đầu hàng rồi, đang đọc trên đài đó!" Ngày hôm sau, thày Hai vào nội đô, cây trung liên vẫn đeo lệch bên vai, mười bảy tuổi và nhiều tháng năm còn ở phía trước.

★★★

3Cậu Út là nông dân. Ngày ngày cậu dẫn trâu ra đồng nhưng cậu lái được cả xe tải lẫn công nông. Thời chiến tranh, cậu lái tăng T-54 và mất một mắt tại Sài Gòn vào ngày 30/4.

Cậu nhập ngũ năm 1973 và vì to khỏe nên được bổ sung về bộ đội tăng thiết giáp. “Hồi 72, binh chủng thiệt hại nặng ở Quảng Trị. Thế nên đơn bọn tao chỉ có cán bộ khung là cựu binh, còn lại đều là lính mới hết” cậu kể. – “hai năm liền, cán bộ của bọn tao, các ông ấy đã thấy tổn thất năm 72 thế nào, nên rèn bọn tao ra thành bã.” Đầu năm 1975, cậu Út vượt Trường Sơn vào Sài Gòn.

“Bọn tao nhận xe mới ở Kép rồi ngồi tàu vào tới tận Vinh. Từ đó bọn tao chạy lên đường Trường Sơn. Hồi trước thì thế nào không biết chứ đầu năm 75, lúc bọn tao vào đường đã tốt lắm. Xe chạy ban ngày không cần ngụy trang, đi tới binh trạm nào có bồn tiếp xăng tới đó. Suốt từ Tây Nguyên xuống tới Tây Bắc Sài Gòn, bọn tao đánh đâu thắng đó. Nhiều nơi, chỉ thấy bóng xe tăng là quân ngụy bỏ chạy. Suốt cả đường hành quân từ Bắc vào tới ngoại ô Sài Gòn, bọn tao bị mất có mỗi một người vì nó gãy chân khi trượt từ tháp pháo xuống. Thế nhưng ngày 30/4, đại đội bọn tao mất một nửa số xe, ngay cửa ngõ Sài Gòn”.
Ngày 30/4, ba chiếc xe của đại đội cậu bị bắn cháy gần Nhà Thờ Ba Chuông. Những người bộ binh lôi cậu ra khỏi chiếc xe tăng rực cháy. Lúc đó cậu không nhìn thấy gì cả vì máu tràn khắp mặt. Sau này, bác sỹ nói là mắt trái của cậu bị thương nặng quá không thể cứu được. Tôi nói với cậu rằng ảnh của ba chiếc xe tăng cháy của đại đội cậu có thể tìm thấy trên mạng. Cậu tròn mắt khi tôi cho cậu thấy hình ảnh những hình ảnh đó. Tôi nhận xét rằng ba chiếc xe bị bắn cháy rất gần nhau, và khi vào thành phố, xe tăng không thể đi hàng dọc như thế. Tôi dịch cho cậu hồi ký của tướng Chuikov, vị chỉ huy của Stalingrad và cũng là người anh hùng công phá Berline. Trong hồi ký của người được mệnh danh là chuyên gia về chiến đấu trong thành thị này, ông nói rằng khi tiến vào Berline, các xe tăng Xô Viết áp dụng một chiến thuật là cho xe tăng chạy hai bên lề phố, với bộ binh tỏa ra hai bên và phía trước để tạo ra một hàng rào bảo vệ xe tăng khỏi lính chống tăng của kẻ thù. Mỗi xe tăng sẽ bắn trùm lên bất kỳ mục tiêu nào ở phía hè đối diện. Bằng cách đó, những người lính Xô Viết đã mang xe tăng tới tận cổng Brandenburg. Nghe những điều đó, cậu Út thở dài “giá ngày đó bọn tao có internet. Lũ chúng tao suốt 2 năm toàn được huấn luyện cường tập cứ điểm và đánh thọc sâu. Cán bộ chúng tao cũng chẳng có ai sinh ra ở thành phố. Hồi đó, chẳng ai nghĩ là miền Nam giải phóng nhanh đến thế nên cũng chẳng được học chiến đấu trong thành phố thế nào.” Cậu ngừng một lúc, nhìn xa xăm “mà thực ra, lúc đó bọn tao chạy sát thế, phần vì chủ quan nghĩ là chúng nó đã chạy hết, phần vì sợ lạc trong thành phố. Nói ra thì xấu hổ, nhưng đúng là chúng tao ngồi trên xe tăng thế nhưng mà lại sợ lạc.” Cậu chỉ vào bức ảnh và nói “in cho cậu cái này, ba mươi năm rồi tao không thấy lại cái xe của mình. Thấy cái này, tự nhiên tao nhớ xe tao quá”.

Đã hơn 35 năm kể từ ngày giải phóng, cậu tôi chưa từng trở lại Sài Gòn.

★★★

4Tôi gọi ông đơn giản là Trung tá. Trung tá có một quán cơm Tàu. Lần đầu tôi gặp Trung tá là khi tôi hết sạch số mì gói mang theo và quyết định lần đầu tiên bước chân vào một quán ăn ở Mỹ. Lần đầu tiên ở nước ngoài, một mình trong một khu campus hoang vắng vì sinh viên nghỉ hè hết. Chiều hôm đó, trời đổ mưa, mưa trên Tucson, mưa trên hoang mạc. Tôi bước vào quán và order thứ rẻ nhất có thể - cơm rang. Trong túi tôi lúc đó có $200 mà học bổng Fulbright cấp để đi đường – tôi sẽ phải sống với số tiền đó tới khi có học bổng tháng đầu tiên, ngoài số tiền đó ra, cá nhân tôi không còn tiền nào khác.

Trung tá nghe tôi order rồi quay vào. Trời mưa, một mình tôi trong quán. Ngày đó không có iPad, không có smartphone để đọc chuyện khi rỗi. Tôi lục tung túi của mình và chỉ tìm thấy tờ giấy duy nhất có chữ là tờ 500 đồng. Tôi giết thời giờ bằng việc đếm các hoạ tiết trên đồng tiền. Trung tá bưng cơm ra, nhìn đồng tiền tôi cầm trên tay và hỏi bằng tiếng Việt “con mới từ bển qua?” Trời mưa, quán vắng, Trung tá ngồi xuống nói chuyện bâng quơ quê ở đâu, sang đây học gì với tôi. Thái độ Trung tá ân cần nhưng hơi lạnh. Sau này, tôi mới biết rằng lúc đó Trung tá lạnh lùng vì nghĩ tôi là con quan lớn bên Việt Nam nên mới có tiền qua học luật. Sau này, vẫn từng đó tiền nhưng tôi phát hiện ra đồ ăn của mình thường nhiều hơn rõ rệt, Trung tá không nói nhưng thương sinh viên nghèo.

Có lần gần ngày 30/4, tôi hỏi Trung tá “hồi 75 trung tá chạy ra sao?” (Trung tá luôn thích mọi người gọi ông theo chức vụ đó). Trung tá trả lời chầm chậm, ngắt đoạn, thỉnh thoảng lại như chìm vào ký ức. Nói một cách ngắn gọn là khi cất cánh, từ trên cao, Trung tá nhìn thấy hàng đoàn xe tăng T-54 bật đèn pha trên xa lộ tiến vào thành phố. Lúc đó là sớm ngày 30/4. Tôi nói rằng cậu Út tôi lái một trong những chiếc xe tăng tiến về hướng sân bay Tân Sân Nhất lúc đó. Trung tá thở dài “lúc đó trong kho còn đầy hoả tiễn chống tăng, nếu lắp vô mà bắn chắc cháy nhiều lắm. Nhưng tụi qua cũng ngán hoả tiễn vác vai của Cộng quân, nên chẳng ai ra đánh cả. Cũng may thế nên qua với cậu của con mới còn sống tới giờ.” Tôi nói là cậu tôi vẫn sống nhưng xe của cậu và hai xe khác bị bắng cháy vào sáng 30/4. Trung tá tặc lưỡi “chiến tranh mà”. Trung tá kể, sau khi đẩy chiếc UH-1 rơi khỏi tàu sân bay, Trung tá đứng nhìn chiếc mõm vẽ nanh cá mập chìm sâu xuống nước biển và nhận thấy một quãng đời tung hoành đã chấm dứt. Vì thạo tiếng Anh nên ngay khi đến Mỹ Trung tá được được một tổ chức từ thiện giới thiệu cho một công việc trông nom tiệm giặt ủi. Trung tá gặp người chủ, cũng là một cựu binh Việt Nam. Người chủ Mỹ nói “tao chỉ là trung sĩ bộ binh khi ở Việt Nam, còn mày là trung tá phi công, mày có thấy vấn đề gì khi làm cho tao không?” Trung tá trả lời rất hăng hái “tao bắt đầu cuộc sống mới rồi, trung tá là thời ở bên đó, tao sẽ làm tốt công việc này.” Trung tá kể “thế nhưng đêm đó, qua nằm trong kho chứa đồ của tiệm vì lúc đó chưa có chỗ mướn để ở, nằm một mình lạnh lẽo và nghĩ tới vợ con đang ở Việt Nam, qua khóc như trẻ con”. Giờ các con của Trung tá đã lớn cả, đã làm kỹ sư, dược sỹ ở đâu đó bên Texas, tiệm chỉ còn Trung tá và vợ trông nom. 28 năm kể từ ngày rời Việt Nam, Trung tá vẫn chưa một lần về thăm quê. “Qua nhớ Đà lạt lắm, nhưng sợ Cộng Sản chẳng dám về!” Tôi cười và nói là tôi vẫn đang là đoàn viên thanh niên cộng sản. Trung tá lắc đầu mệt mỏi “chuyện chánh trị mệt lắm, con ở lại đây đi, qua mối cho con bé họ hàng bên bà xã, nó có tiệm nail đủ nuôi con học làm luật sư. Con về bên đó không đủ gạo mà ăn đâu!” (đó là năm 2003, nhưng Trung tá không biết xài internet, mọi điều Trung tá đọc là mấy tờ báo địa phương). Tôi cứ cười và không bao giờ tranh cãi với Trung tá. Ngày tôi về nước, Trung tá đưa cho tôi mẩu địa chỉ nói “về bên đó mà đói quá cứ viết cho qua, nếu con sang lại đây được, qua kiếm đứa khác cho mà làm vợ!” Tôi tặng Trung tá tờ 500 đồng mà tôi đã cầm ngày đầu gặp mặt. Trung tá cầm đồng tiền và cất cẩn thận trong ví. Trung tá biết tôi tặng Trung tá đồng tiền không phải vì giá trị của nó mà vì hình ảnh mà nó mang theo.

Ngày tôi rời Tucson, khi máy bay cất cánh, tôi nhìn thấy bầu trời đêm đang ửng hồng nắng sớm. Trên xa lộ, từng đoàn xe đang bật đèn chạy. Bỏ lại nước Mỹ sau lưng, tự nhiên tôi thấy cảnh đó giống cảnh Trung tá đã nhìn khi ông từ trên máy bay ngoảnh lại Sài Gòn lần cuối với từng đoàn xe tăng đang bật đèn tiến vào thành phố. Tuy nhiên có một điều khác, lúc đó, tôi nói với chính mình “I’am going home!”
© Thái Bảo Anh

Categories: ,

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))