• RSS
  • Facebook
  • Twitter
Comments

Điểm qua mấy vụ tào lao của báo mạng lá cải gần đây tôi cảm thấy ớn lạnh sống lưng .Không hiểu ông Trương Gia Bình và các cộng sự , những người tiên phong vác báo mạng về Việt Nam hơn chục năm trước cảm thấy thế nào, có lẽ là “một chút sốc không hề nhẹ” chăng? Báo mạng là xu thế chung của thế giới khi mà internet quá phổ biến và các thiệt bị truy cập đầu cuối giá rẻ như bèo , nhưng với cách làm báo mạng như bây giờ thì tương lai nền báo chí Việt Nam sẽ về đâu?

Những bài báo mạng nhảm nhí không phải chỉ rộ lên mới đây mà có hẳn một quá trình, chằng qua các bài nhảm nhí rơi vào các đề tài “cướp giết hiếp” ,“ca sĩ lộ hàng , tuột váy lòi chảo”, “người mẫu, diễn viên oánh ghen” .. nên người đọc chỉ nhíu mày cho qua hay cảm thấy buồn cười. Khi đụng đến các đề tài lịch sử, chính trị báo mạng lòi ra yếu kém ngay và luôn. Than ôi, lịch sử- chính trị không phải thứ vô thưởng vô phạt như chuyện “ngoại tình công sở”, scandal sao xiếc, viết bậy viết bạ thì độc giả người ta phản ứng ngay, không dễ dàng cho qua.


Cũng là báo, nhưng tại sao báo mạng lại quá củ chuối so với báo giấy? Sự khác biệt căn bản giữa hai loại hình báo chí này là mức độ cầu toàn của người đọc và trách nhiệm của người làm báo.

Với một tờ báo giấy , người ta phải bỏ tiền ra mua , và phải đọc cặn kẽ, sau khi đọc có thể dùng gói xôi hay làm gì linh tinh vớ vẩn. Người ta mua một tờ báo giấy là vì thói quen và niềm tin đối với tờ báo đó chứ không lật xem có bài nào “shock” mới mua. Để giữ được niềm tin của người đọc thì tờ báo đó phải làm nội dung thật tốt, họ cẩn thận với từng con chữ được in ra. Liên tục mấy năm trời, trên tờ Tuổi trẻ cười (phụ san của Tuổi Trẻ Tp. Hồ Chí Minh) có một chuyện mục rất hấp dẫn tên là “Quán mắc cỡ”. Trong mục này, người phụ trách và bạn đọc chuyên nhặt sạn trên báo giấy ,và không tờ báo nào được ưu ái tha cho. Các lỗi ngữ pháp, chính tả, kiến thức , sự kiện …tất tần tật được mổ xẻ một cách hóm hỉnh và thú vị . Ví dụ như vậy để thấy rằng người làm báo giấy và người đọc báo giấy rất cầu toàn . Nội dung mà bá láp thì bào in ra chỉ có cân ký bán ve chai mà thôi.

Với báo mạng, người đọc miễn phí , chủ báo sống nhờ quảng cáo, càng nhiều view thì tiền quảng cáo càng nhiều . View và View, đây là vấn đề của mọi vấn đề liên quan đến báo mạng. Vậy làm sao để có view cao?

I. Tít "sốc"
Trong một rừng thông tin, hình ảnh trên màn hình máy tính / mobile thì tít sốc chiếm đến 75% khả năng bài báo được đọc hay không. Có nhiều cách giật tít sốc kinh điển. Thứ nhất là chơi tựa có cú pháp “Cộng đồng mạng phát sốt vì ABC XYZ”. ABC XYZ có thể là một sự kiện hoặc đơn giản là bài hát, cái váy, món đồ chơi ….và cộng đồng mạng có sốt thật hay không thì …có ai cãi đâu mà lo? Mà có muốn cãi cũng chả được, vì anh đã click vào xem chứng tỏ anh cũng bị sốt” rồi còn gì? Một loại cú pháp thông dụng nữa là dùng từ “lộ“, như kiểu Apple rò rỉ hình ảnh iphone 6,7,8 ..gì đấy. Lộ siêu xe của ngôi sao X, lộ diện váy cưới ca sĩ Y….dù rằng người ta công khai đưa lên truyền thông chứ chẳng bị Pararazazzi chụp hình lén hay laptop của họ bị hack. Thậm chí Mc Donald công bố bảng giá mà có báo giật tít “Lộ bảng giá của McDonald ở Việt Nam, rẻ hơn ở nước ngoài nhiều”. Cách giật tít sốc khác lợi hại hơn dành cho các “chiên da sốc” có nội công thâm hậu là chơi trò lắt léo ngôn từ hoặc hình sự - trầm trọng hóa sự việc lên. Hai con trâu trong hội chọi trâu chọi nhau, một con chết, qua ngòi bút của trang tin Zing thành ra thế này “Ngưu thủ Đồ Sơn bị trâu Hà Nội húc chết sau một giây”. Đừng nói người đọc, chắc cả tổng biên tập mới liếc qua cũng tưởng con trâu húc chết anh chàng cỡi trâu. Nhớ dạo bão Hải Yến vào Việt Nam, do trời mưa to, tầm nhìn kém , tài xế xe khách tông trúng một phóng viên làm người này chết, Báo Đất Việt giật tít thế này “Tài xế đâm chết nữ phóng viên bị bắt”, trang Ngoisao thì “ Bắt tài xế đâm chết nữ phóng viên trong siêu bão”. Chỉ là một vụ tai nạn giao thông mà làm như án hình sự, như các băng đảng ám sát nhà báo bịt đầu mối trong phim Mỹ.

II. Nội dung mì ăn liền- xôi thịt
Các đề tài không bao giờ nhàm chán báo lá cải ưa thích là cướp - giết - hiếp, trai gái - đực cái và "xì-căng-đan sâu- bịt". Trong mỗi người chúng ta, cái máu hiếu kỳ ưa chuyện thị phi ít nhiều ai cũng có, và báo lá cải khai thác triệt để chỗ này và chúng ta phải thừa nhận họ thành công. Những chuyện riêng tư kiểu trắc trở tình dục - tình yêu được báo lá cải tương lên và chém gió rần rần, và bao giờ lượng view cũng khủng.

Những bức thư của đọc giả kể lể họ ngoại tình, cắm sừng bạn đời thế nào rất chi tiết dài cả trang rất được hoan nghênh. Chuyện tự kể chi tiết dến mức nếu nó là thật thì gia đình người ta biết ngay, và giữa cuộc đời bề bộn này mấy ai rảnh rỗi đi kể lể với báo chí “tôi đã ăn vụng và chùi mép thế nào” (?) mặc kệ tính chất thực hư, những chuyện nhảm nhí ấy người ta vẫn đọc ào ào như thứ tiểu thuyết diễm tình có pha mùi tình dục. Tờ báo đâu cần quan tâm bọn trẻ mới lớn, đầu óc trong sáng như tờ giấy trắng bị nhiễm thứ văn hóa rác rưởi kia. Dạo trước báo mạng một phen nổi sóng vì chuyện bịa như thiệt về cô gái nào đó cưỡng hiếp mấy chục gã đàn ông, mỗi ngày vài chục "shot"(!?). Mới đây thôi Vietnamnet lại đăng bài về ca sĩ Chế Linh “vẫn sinh hoạt đều đặn với 4 bà vợ” làm người ta tặc lưỡi tự hỏi không lẽ mỗi lần “ấy” xong, ông ta báo cáo với phóng viên.

III. Hậu quả
Với tư duy làm báo “view là trên hết” thì không lạ chút nào khi đội ngũ làm báo mạng chất lượng xập xệ đến độ thảm thương như thế vì làm sao trong một trường “áp lực view” có thể lòi ra được những phóng viên tử tế tâm huyết với nghề mà gò lưng trên từng con chữ, viết những phóng sự, bình luận đặc sắc làm người đọc ngỡ ngàng. Người ta có thể xem báo mạng là thứ giải trí rẻ tiền như K-pop hay nhạc thị trường chỉ khi nó vô hại, khi nó chuyên mảng “xôi thịt” nhưng khi nó đụng đến lịch sử- chính trị - thời sự thì không ai có thể làm ngơ được nữa. Từ đây trên mạng có thuật ngữ “phóng tinh viên” để ám chỉ các phóng viên dốt nát lịch sử, nhận thức chính trị yếu kém, kiến thức xã hội vá chằng vá đụp,... Họ có thể phăm phăm viết tào lao một lúc mấy bài về lịch sử hay bê nguyên xi một bài báo kiểu “tâm lý chiến” của báo Mỹ rồi dịch ra tiếng Việt rồi tương lên mặt báo. Một cách vô tình (tôi cầu mong họ không phải cố ý ) họ đã tiếp tay cho các thế lực thù địch muốn nhào nặn lịch sử và âm mưu diễn biến hòa bình, chống phá đất nước. Không phải tự nhiên mà có người lập hẳn một trang Leubao.Vn để sửa lưng đội ngũ phóng tinh viên này mỗi khi họ sai.
Đáng lo thay...
© Bao Bất Bình

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))