• RSS
  • Facebook
  • Twitter
Comments

Sau khi dư luận lên tiếng phản đối bài viết về bài viết với tiêu đề đã được sửa thành: ""Tờ rơi" – Vũ khí mới chống tội phạm của công an thành phố Hồ Chí Minh" ngày 27/10/2014 mang nội dung xuyên tạc và bôi nhọ lực lượng CAND thành phố mang tên Bác của báo Giáo dục Việt Nam (GDVN) – Cơ quan ngôn luận của Hiệp hội các trường Đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam. Đến ngày 29/10/2014. Trên trang điện tử của tờ báo này đã xoá bài viết nói trên.

Trước đó, ngày 10/7/2014, trên Báo GDVN có đăng bài với tiêu đề “Cùng là con người sao phải đối xử với nhau như thế?” của phóng viên Viết Cường. Bài viết được phóng viên mô tả khá kỹ những hành động dẹp lề đường, xử lý hành vi lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè làm nơi buôn bán vặt của công an phường Mễ Trì (Hà Nội). Với cách đặt tiêu đề và nội dung bài viết, rõ ràng phóng viên đã cố ý hướng dư luận chỉ trích vào đội ngũ chức năng làm nhiệm vụ.
                            
Không phải chỉ ở Hà Nội mà hầu hết các thành phố, tỉnh khác, lực lượng quản lý ở các địa phương luôn đâu đầu về vấn đề lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè làm nơi buôn bán vặt. Tình trạng này tạo ra những hình ảnh nhếch nhác về cảnh quan đô thị, đồng thời, gây nguy hiểm cho người đi bộ và các phương tiện tham gia giao thông khi vỉa hè bị lấn chiếm, người đi bộ phải đi xuống lòng lề đường. Không ít báo chí đã lên án hành vi này, các cơ quan chức năng đã liên tục tuyên truyền vận động, ra quân xử lý nhưng cũng như “bắt cóc bỏ dĩa”. Với mức phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng cho hành vi này (Nghị định số 71/2012/NĐ-CP) chưa đủ sức răn đe người vi phạm, thậm chí, người vi phạm còn không chấp hành xử phạt, không đến lấy lại tài sản do giá trị thấp.
Trên thực tế, qua quá trình thực hiện công tác quản lý trật tự đô thị tại các địa phương, không một lực lượng chức năng nào muốn thực hiện việc thu giữ tài sản đưa về cơ quan để đống, phải bảo vệ, trông coi. Tuy nhiên, dưới áp lực của dư luận và cấp trên, các lực lượng này tiếp tục phải xử lý hành vi như vậy. Và với muôn vàn kiểu chống đối của người buôn bán rong: bỏ chạy, tẩu tán tang vật, tài sản; bắt buộc các lực lượng làm nhiệm vụ phải có những biện pháp cứng rắn để thu giữ tài sản của những người vi phạm nhằm răn đe, lấy cơ sở để xử lý sau này.
Đồng ý rằng, còn một bộ phận người dân có hoàn cảnh sống khó khăn bắt buộc phải lấn chiếm lòng lề đường vỉa hè làm nơi mưu sinh. Bên cạnh đó, tâm lý ngại chật chội, chậm trễ, mua hàng vỉa hè cho rẻ  đã khiến cho cảnh quan đô thị ngày càng nhếch nhác; lợi ích, an toàn giao thông của cộng đồng bị một số cá nhân đặt bên dưới lợi ích, nhu cầu của họ. Vấn đề này đã được không ít báo chí phản ánh; ngay tại Báo GDVN đã từng có những phóng sự, phỏng vấn lãnh đạo công an các cấp, đưa ra ý kiến xử lý lãnh đạo Công an phường nếu không kiên quyết dẹp được tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè trên địa bàn thành phố Hà Nội. Vậy không hiểu sao đội ngũ phóng viên và biên tập viên của Báo GDVN lại có những bài viết trái chiều như vậy?
Trước đó, ngày 8/7/2014 cũng trên Báo GDVN có đăng bài viết “Cảnh sát giao thông Thanh Hóa hành hung người dân giữa đường” của tác giả Quốc Toản dựa trên môt clip do một “bạn đọc” cung cấp. Dựa theo clip, phóng viên đã không tìm hiểu rõ ràng sự việc qua các nhân chứng khác mà lại viết “Không rõ cảnh sát đã giải thích gì hay chưa, nhưng sau đó là màn khống chế, đánh đập của 4 cảnh sát dành cho người dân” nhằm bôi đen lực lượng CSGT huyện Tĩnh Gia, Thanh Hoá, tạo dư luận tiêu cực trong nhân dân.

Sau khi báo GDVN đăng tải bài viết trên, Công an Thanh Hoá đã vào cuộc, yêu cầu Công an huyện Tĩnh Gia báo cáo và yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ kiểm tra, xác minh, làm rõ thông tin mà báo chí đã nêu trên. Qua kiểm tra đã xác định một số thông tin trên bài báo nêu là không khách quan và không đúng sự thật diễn ra. Theo báo cáo,có 2 thanh niên điều khiển mô tô không đội mũ bảo hiểm. Tổ công tác ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra, nhưng 2 thanh niên này đã không những không chấp hành mà còn có lời nói, cử chỉ trêu chọc, chửi lại CSGT. Khi bị tổ công tác đuổi một đoạn thì 2 thanh niên dừng xe, người ngồi sau xe đã bỏ trốn khỏi hiện trường. Tổ công tác yêu cầu kiểm tra giấy tờ thì người thanh niên điều khiển xe không những không chấp hành mà còn chửi bới, lăng mạ tổ CSGT. Tổ công tác đã dùng biện pháp cưỡng chế bằng cách đưa xe của người thanh niên nói trên lên xe ôtô và yêu cầu người thanh niên về trụ sở Ban công an xã Hải Ninh (Tĩnh Gia) để giải quyết. Nhưng người vi phạm đã chống đối quyết liệt bằng cách cởi áo, nhảy lên thùng xe vừa chửi bới vừa giằng co, ngăn cản không cho lực lượng Cảnh sát giao thông mang xe về trụ sở xã Hải Ninh. Tại đây thanh niên thừa nhận mình có uống rượu nên không làm chủ được bản thân. Hình ảnh trong clip là có thật, tuy nhiên là việc lực lượng chức năng khống chế đối tượng vi phạm. Qua xác minh sự việc, Công an tỉnh Thanh Hoá đã yêu cầu báo GDVN kiểm tra, đính chính, tránh gây ảnh hưởng đến uy tín của Công an Thanh Hoá.
Có thể nhận thấy rằng, việc cố tình chĩa mũi nhọn vào lực lượng CAND của báo GDVN đã không chỉ có một lần mà mang tính chất thường xuyên, các bài viết mang nặng tính xuyên tạc, bôi đen lực lượng, gây dư luận xấu trong xã hội và tạo cái nhìn lệch lạc về lực lượng CAND. Không thể phủ nhận, có không ít cán bộ, chiến sĩ CAND có những hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu; nhưng không phải vì thế mà phủ nhận những công lao của bao nhiêu thế hệ CAND đã, đang và sẽ giữ gìn an ninh của Tổ quốc.
Trong quá trình tác nghiệp, đội ngũ phóng viên, nhà báo gặp không ít cản trở từ các lực lượng công quyền, thậm chí ghi nhận không ít hình ảnh tiêu cực của đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước. Nhưng không thể vì vậy mà đổ lỗi đánh đồng cho những người khác, không thể vì những bức xúc cá nhân, cảm tính cá nhân mà bẻ cong ngòi bút, xuyên tạc, hướng mũi dùi của dư luận vào bộ máy quản lý nhà nước. Nghề báo đáng quý là tính chiến đấu, phản ảnh trung thực sự việc. Muốn vậy, đội ngũ phóng viên, nhà báo phải đặt mình vào vị trí trung tâm, khách quan, trung thực, không thiên lệch; tuyệt đối không đặt cảm tính, suy nghĩ cá nhân của mình lên trên sự thật. Không làm được điều đó, nhà báo, phóng viên sẽ tự đánh mất giá trị của mình; sẽ bị độc giả và chính đồng nghiệp coi thường.
Thiết nghĩ, Báo GDVN cần chỉnh đốn đội ngũ Phóng viên, biên tập viên trong quá trình viết bài, tác nghiệp của mình. Việc đưa tin sai lệch vấn đề là không thể chấp nhận. Những sự việc nhỏ dưới ngòi bút không trung thực của đội ngũ phóng viên làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của lực lượng CAND trong đôi mắt của nhân dân. Đã đến lúc, các cơ quan quản lý báo chí cần có những chế tài xử lý nghiêm khắc trường hợp của báo GDVN để làm gương; hạn chế tình trạng tình trạng xuyên tạc, bẻ cong ngòi bút, bôi đen sự thật. Đồng thời, cần có những biện pháp nâng cao trình độ nghiệp vụ, đạo đức báo chí trong đội ngũ phóng viên, nhà báo nhằm khôi phục lại uy tín, hình ảnh và sự tôn trọng của độc giả vào đội ngũ báo chí, truyền thông.


[...]

Categories: , ,
Comments

Ngày 27/10/2014, trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam (GDVN) có đăng 1 bài viết của tác giả Xuân Dương với nhan đề ""Tờ rơi" - Vũ khí bôi nhọ đất nước của công an Thành phố Hồ Chí Minh". Sau đó, tiêu đề này được sửa lại thành : ""Tờ rơi" – Vũ khí mới chống tội phạm của công an thành phố Hồ Chí Minh".



Nội dung bài báo đề cập đến việc công an phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh tổ chức phát tờ rơi (bằng tiếng Anh) với mục đích cảnh báo khách du lịch, đặc biệt là người nước ngoài tự bảo vệ tài sản cá nhân nhằm chống lại các tệ nạn xã hội nơi công cộng.
Bài báo chú trọng khá kỹ về nội dung tờ rơi. Đặc biệt, phần cuối, tác giả bài báo còn thể hiện sự so sánh đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Công an Tp HCM với cách phân cấp trong Quân độinhằm chứng tỏ một đội ngũ cán bộ lãnh đạo cao cấp (?) Tiếp tác giả đánh giá sự bất lực, yếu kém của đội ngũ CA Tp HCM khi cho rằng với đội ngũ đông đảo như vậy nhưng tình hình tội phạm vẫn diễn biến tồi tệ. Nội dung bài viết như sau:
"So sánh quân hàm và chức vụ công an với bên quân đội, bốn đại tá tương đương bốn sư đoàn trưởng, bốn thiếu tướng tương đương bốn tư lệnh/chính ủy quân đoàn hoặc tư lệnh/chính ủy binh chủng. Giả thiết một quân đoàn gồm 3 sư đoàn thì cấp bậc của lãnh đạo Công an TP.HCM tương đương với cấp chỉ huy 16 sư đoàn chính quy!
Với đội ngũ lãnh đạo cao cấp như thế, bên dưới là một lực lượng hùng hậu gồm công an phường, quận, thành phố, cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự, cảnh sát giao thông, các đội săn bắt cướp và còn một trung đoàn cơ động (khoảng 600 chiến sĩ) từ Bộ Công an chi viện, vậy tại sao tình hình vẫn tồi tệ, không được cải thiện?"

Thứ nhất, tác giả bài báo không hiểu những khái niệm cơ bản về phân cấp trong LLVT, vì thế, sự so sánh như vậy là ấu trĩ và hoàn toàn khập khiễng. Một cách hiểu đơn giản nhất, đối với những thành phố có vị trí đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn về chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thì cán bộ lãnh đạo trong LLVT luôn có số lượng đông hơn và cấp hàm cao hơn những tỉnh, thành khác.

Thứ hai, việc phát tờ rơi là công an phường Phạm Ngũ Lão triển khai. Đặc điểm của phường Phạm Ngũ Lão là địa bàn có nhiều khách du lịch người nước ngoài tạm trú. Do đó, hoạt động của tội phạm khu vực này có nhiều diễn biến phức tạp hơn các khu vực khác. Việc phát tờ rơi của một phường (có thể) là triển khai thử nghiệm, chưa phải là chủ trương chung của công an thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, tác giả cố tình không nhắc đến bản chất của vấn đề mà cố tình xuyên tạc cho rằng đó là sự yếu kém chung của công an thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy, ở đây có thể quy tác giả bài viết về hành vi vi phạm theo điều 258 của Bộ luật hình sự.

Một minh chứng cho vấn đề "triển khai thử nghiệm" có thể thấy qua trường hợp Công an thành phố Thanh Hoá thử nghiệm quăng lưới chặn bắt người vi phạm giao thông, chống đua xe là thử nghiệm của một đơn vị cấp huyện, chưa phải là chủ trương chung của cơ quan công an cấp tỉnh. Do đó, không thể nói đây là phương pháp mà công an tỉnh Thanh Hoá đưa ra.

Thứ ba, như nhiều báo chí khác đã đưa tin, vấn đề phát tờ rơi, hoặc cảnh báo cho người dân, khách du lịch đã được nhiều quốc gia triển khai. Ngay tại Việt Nam, cơ quan công an cấp phường xã cũng thường xuyên thông báo cho người dân về các thủ đoạn tội phạm, in ấn các biển cảnh báo tại các tụ điểm đông người, công cộng hoặc tại các cơ sở kinh doanh để người dân có thể chủ động phòng tránh, đối phó với các loại tội phạm. Như vậy, việc phát tờ rơi nhằm cảnh báo đối với khách du lịch là việc hoàn toàn nên làm. Qua đó, giúp nâng cao nhận thức trong khách du lịch về những hình thức tội phạm mà họ dễ gặp phải để chủ động xử lý khi có tình huống xảy ra.

Vì vậy, việc làm của Công an phường Phạm Ngũ Lão là việc làm đáng hoan nghênh, chứ không phải là đáng lo ngại hay bôi xấu thực trạng xã hội mà nhà báo cố tình xuyên tạc. Có chăng, vấn đề sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh trong "tờ rơi" có thể chưa chuẩn theo văn phạm và cần phải điều chỉnh cho phù hợp hơn.
Vai trò của nhà báo khi lên tiếng cần phải công tâm, giữ được sự ngay thẳng trong bài viết của mình. Đáng tiếc rằng tác giả Xuân Dương và ban biên tập GDVN không tôn trọng những nguyên tắc cơ bản nhất trong đạo đức của người làm báo. Trong bài viết của mình, với thái độ hằn học, tác giả đã cố tình lợi dụng tự do báo chí, tự do ngôn luận để suy diễn, xuyên tạc, bôi đen hình ảnh của lực lượng CAND thành phố Hồ Chí Minh. Đây là hành vi cần lên án và có biện pháp xử lý thích đáng làm gương cho những trường hợp khác.

Để có được sự tôn trọng của độc giả, ngoài sự khách quan, trung thực trong phản ánh sự việc, người cầm bút cần phải có những phông nền kiến thức nhất định về vấn đề mà mình viết. Khi viết về vấn đề cụ thể, ngoài tổng hợp, phân tích những kiến thức xung quanh vụ việc...
Hơn ai hết, bản thân mỗi nhà báo cần phải xác định trách nhiệm định hướng dư luận xã hội của chính mình, cũng như cơ quan báo chí nơi nhà báo đang công tác. Do vậy rất cần có sự thận trọng trong việc đánh giá những tác động của bài báo đối với dư luận xã hội; tuyệt đối tránh những cảm xúc cá nhân làm ảnh hưởng tới định hướng của bài báo, dễ dẫn đến những sai lầm đáng tiếc trong vụ việc nêu trên.
Củ Hành
[...]

Comments

Báo Tiền Phong ngày 19/10/2014 có đăng bài viết "Gặp các bộ óc siêu việt nhất hành tinh" của tác giả Việt Hùng, trong đó có một thông tin đáng buồn đối với giới khoa học Việt Nam nói riêng và người Việt nói chung. Đó là: Trong tổng số 600 nhà khoa học trẻ đến từ 80 nước trên khắp thế giới được mời tham dự Hội nghị các nhà khoa học đoạt giải Nobel lần thứ 64 tại Lindau, CHLB Đức, không có nhà khoa học nào đến từ Việt Nam hoặc mang quốc tịch Việt Nam. Trong khi đó các nước nghèo hơn ta, thậm chí chưa bao giờ thấy họ có thành tích trong các giải thi Olympic quốc tế các môn khoa học cơ bản như toán, lý, hóa, sinh… như Việt Nam lại hiện diện ở nơi đây.
Thông tin này được nhiều người trong đó có cả những người làm trong ngành giáo dục & đào tạo chia sẻ trên mạng xã hội với một thái độ chế giễu như thường lệ. Do đó, thiết nghĩ cần có một cái nhìn đúng đắn hơn về vấn đề này.


Không góp mặt chưa hẳn là do dở
Trước hết, cần phải nói rõ hơn thông tin về buổi gặp mặt này cũng như những người tham dự. Hội nghị Lindau, tổ chức lần đầu năm 1951, là nơi tập hợp các nhà khoa học, nhà kinh tế từng đoạt giải thưởng Nobel đến để nói chuyện, giao lưu với nhau và với các nhà khoa học trẻ. Các hội nghị tổ chức hàng năm theo từng lĩnh vực khoa học (Hóa học, Vật lý, Sinh lý học y khoa) và kinh tế (khoảng 2 - 3 năm / lần bắt đầu từ năm 2004). Như năm nay, có 2 hội nghị được tổ chức: Hội nghị về Sinh lý học & y khoa mà tác giả Việt Hùng đề cập trong bài viết, từ 29/6 - 4/7/2014 và Hội nghị về khoa học Kinh tế từ 19 - 23/8/2014. Để trở thành khách mời của hội nghị, các nhà khoa học trẻ phải đăng ký tại trang web của tổ chức và trải qua nhiều bước tuyển chọn sau đó. Một số tiêu chí cơ bản mà tổ chức này yêu cầu đối với các ứng viên là:
- Phải có những thành tích xuất sắc hay huy chương trong lĩnh vực khoa học của mình (You can account for excellent achievements, appraisements, and merits in your scientific career).
- Không quá 35 tuổi (You are not older than 35 years of age).
- Không có việc làm ổn định - tức là nhân sự chính thức trong thời hạn lâu dài đối với một đơn vị, công ty nào đó (You do not have a permanent professional working position.).

Tất nhiên, còn những điều kiện khác nữa nhưng tôi sẽ đề cập sau.
Như vậy, vấn đề ở đây không hoàn toàn là chuyện "thành tựu giáo dục của Việt Nam" hay chuyện ban tổ chức "có vấn đề" gì đó với các nhà khoa học trẻ của Việt Nam hay không. Đây là một hội nghị về lĩnh vực sinh lý học và y khoa nên các nhà khoa học trẻ được đề cập ở đây là những người nghiên cứu trong lĩnh vực này. Để trả lời cho câu hỏi vì sao không có người Việt Nam nào tham dự thì phải xem xét đến những điều sau:

1 - Có bao nhiêu người nghiên cứu trẻ của Việt Nam đạt 3 yêu cầu cơ bản kia của ban tổ chức? Thật khó mà tìm nhà nghiên cứu nào ở Việt Nam, dưới 35 tuổi mà chưa có công việc ổn định, phải không?
2 - Có bao nhiêu nhà khoa học trẻ của Việt Nam hội đủ 3 điều kiện cơ bản trên mà biết đến tổ chức này hay có hứng thú / sự tự tin / thời gian / điều kiện tài chính,... để đăng ký tham gia?
3 - Giả sử có một vài người có đủ 2 điều trên và tham gia đăng ký tham gia thì đâu phải họ nghiễm nhiên vượt qua được các vòng tuyển chọn tiếp theo để lọt vào số 600 người được tham gia?
4 - Thực trạng đúng như tác giả suy nghĩ là "hầu hết các học sinh Việt Nam ngày nay, cho dù học ở trong hay ngoài nước, đều học các ngành “thời thượng” để dễ xin việc sau này, rất ít người muốn làm nghiên cứu khoa học"?

Chính trong bài viết, tác giả cũng đã nói rằng "các nước nghèo hơn ta, thậm chí chưa bao giờ thấy họ có thành tích trong các giải thi Olympic quốc tế các môn khoa học cơ bản như toán, lý, hóa, sinh… như Việt Nam lại hiện diện ở nơi đây""Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đang phát triển trên thế giới đấu tranh rất hiệu quả với căn bệnh HIV/AIDS". Tức là trình độ thực sự của nền khoa học / giáo dục nước nhà không phải được phản ánh trực tiếp, rõ ràng bởi sự có mặt hay không có mặt của các nhà khoa học trẻ Việt Nam.

Tính phi khoa học của nhiều người Việt...
Rất nhiều người Việt Nam, khi vớ được một thông tin không sáng sủa mấy về tình hình gì đó của đất nước, là y như rằng họ hể hả trì triết, mỉa mai như thể bà già chồng bẳn tính bắt được quả tang cô con dâu ăn vụng vậy. Họ đâu có biết rằng khi họ thể hiện thái độ đáng xấu hổ đó ra cũng chính là họ khoe ra sự thiếu hiểu biết, thiếu khoa học của mình (nhưng lại thích "phán" về khoa học!).

Tôi lấy một ví dụ là một nhận xét dưới đây cho một bài đăng trên facebook về đề tài này, được nhiều người hưởng ứng (Like):

Tại sao tôi nói họ thiếu khoa học ư? Là bởi vì họ chỉ cho những gì tồn tại trong bộ não của họ (tức nhận thức của họ) là chân lý, còn lại những thứ họ không hiểu, họ thấy lạ lẫm,... thì đều là trò hề đối với họ. Đó là một tinh thần thiếu khoa học, dĩ nhiên, kéo theo thiếu hiểu biết.

Chuyện về cái băng-rôn này đã "gây xôn xao dư luận (mạng ảo)" từ cách đây 1 năm (dịp 20/11/2013) và được một số báo mạng đăng tải. Điều buồn cười là một số tờ báo mới hôm trước đăng bài giới thiệu câu ngạn ngữ này, bữa sau lại đăng bài "xôn xao". Ví dụ: trang Báo Mới ngày 12/11/2013 đăng bài "40 câu danh ngôn hay về thầy cô cho báo tường ngày 20/11", trong đó có nhắc đến câu "Thầy giáo là đường tinh, học sinh là đường đã lọc" được cho là một câu ngạn ngữ Ba Tư nhưng đến 20/11/2013 lại "Băng rôn mừng 20/11 khó hiểu gây xôn xao Facebook" (!!!). Tôi nghĩ những người làm băng-rôn này cũng dựa chính vào thông tin của các báo mạng đăng tải vì họ thấy đó là một câu ngạn ngữ lạ, ấn tượng. Vậy là sự thiếu khoa học, thiếu hiểu biết truyền từ báo chí sang người đọc, được đưa vào thực tế, rồi lại truyền lên trên báo chí và các mạng xã hội, ngạo nghễ leo lên "tường nhà" (Facebook) và trong các câu chuyện châm biếm của không ít người đứng trong hàng ngũ "tinh hoa" của xã hội! Nói tóm lại là tự đem nhau ra làm trò cười cho thiên hạ!

Tuy nhiên, theo sách Bộ sưu tập các châm ngôn, tục ngữ trong tiếng Ba Tư và Hindu (A Collection of Proberbs And Proverbial Phrases, in the Persian and Hindoostanee Languages) của Thomas Roebuck, Horace Hayman Wilson (1894) thì câu ngạn ngữ "Thầy giáo là đường tinh, học sinh là đường đã lọc" là của người Hindu. Nguyên văn tiếng Anh là: The master was but Goor (molasses) the disciple is sugar. Trong sách cũng còn nhiều câu tục ngữ liên quan đến "đường", cho thấy rằng đây là một món quen thuộc trong ẩm thực của người Ba Tư và Hindu.
Gook - mật đường

và tính phi khoa học của đài truyền hình quốc gia Việt Nam
Sự thiếu "khoa học tính" của rất đông người Việt có thể có nguồn gốc từ những nét văn hóa làng xã nhưng ngày nay lại được các "lều báo", báo mạng vô tình cổ vũ, khuếch trương. Đáng ngại hơn nữa, mới đây đài truyền hình quốc gia VTV cũng tham gia vào "thị trường ngu hóa nhân dân" này bằng chương trình "Chuyển động 24h" (CĐ24h), một chương trình đang manh nha trở thành một kênh truyền hình riêng với tiêu chí "cạnh tranh với các báo mạng về những thông tin trên mạng xã hội được người dân quan tâm nhất". Truyền đạt thông tin một cách khoa học, hiểu biết, có trách nhiệm là phải thẩm định nguồn gốc, sự chính xác của thông tin, bên cạnh đó còn phải đánh giá những tác động của thông tin đối với cộng đồng. Những điều đó không thể có được bằng cách làm tin chộp giựt (chưa nói đến việc xào nấu, bịa đặt,..) của báo mạng trước giờ và của CĐ24h ngày nay. Và thực tế đã chỉ ra nhiều trường hợp CĐ24h đã đưa những thông tin không chính xác mà nếu có dịp tôi sẽ đề cập trong các bài viết khác.

Ngay cả việc "đâm đầu" vào cái phân khúc thị trường bát nháo và nhung nhúc báo mạng của VTV cũng thể hiện một sự thiếu khoa học, thiếu lương tri làm báo. Ai thường xuyên theo dõi "báo mạng" cũng biết họ nổi tiếng về những thông tin "lá cải" như "cướp - hiếp -giết", tức là đó chính là những điều mà "người dân quan tâm nhất" trên mạng. Một đài truyền hình quốc gia mà đặt ra "tiêu chí" cạnh tranh "lá cải" với thể loại rác thông tin như thế thì có khác chi một tiểu thư cành vàng lá ngọc "kém miếng khó chịu" về khoản khoe thân với mấy cô gái đứng đường? Vậy nếu "người dân quan tâm nhất" đến việc "bán thân" đó của VTV thì CĐ24h sẽ đưa tin kiểu gì?
Một hệ quả nho nhỏ của việc "cạnh tranh với báo mạng"

"Khoa học tính" của người Việt

Người Việt mình không phải là không thích nghiên cứu khoa học nhưng phạm vi nghiên cứu thường nằm trong những lĩnh vực thiết thực của môi trường sản xuất, làm việc hàng ngày chứ không ở tầm "cao siêu" như các nhà khoa học ở các nước phát triển. Điều này có nguyên nhân của nó, như là đặc tính của nền văn minh lúa nước (định canh định cư, không có nhu cầu chinh phục thiên nhiên nhiều), thiếu nền tảng học thuyết khoa học,... Nói nôm na là người Việt thiên về nghiên cứu cải tiến, gần gũi thực tiễn với đặc thù riêng và cũng có nhiều thành công. Ngay trong lĩnh vực y khoa, cũng có nhiều bác sỹ, nhà phát minh Việt và gốc Việt nổi danh thế giới về sáng tạo như Hồ Đắc Di (chuyên nghiên cứu về phẫu thuật), Tôn Thất Tùng (nổi danh với "phương pháp mổ gan khô" hay "phương pháp Tôn Thất Tùng), Đặng Văn Ngữ (chuyên về sốt rét - ký sinh trùng, chế tạo thành công Penicillin tại chiến khu Việt Bắc), Trần Đông A (được kỷ lục Guiness ghi danh sau khi mổ tách thành công cặp song sinh dính liền Việt - Đức), Nguyễn Thị Ngọc Phượng (nhiều công trình nghiên cứu về sức khỏe sinh sản, phụ nữ và trẻ em), Bùi Minh Đức (phương pháp mổ tai nội soi), Nguyễn Hữu Xương (phát minh máy quang tuyến mang tên ông - "Xuong’s X-Ray Machine”) ... Nhiều chuyên ngành y khoa của Việt Nam hiện nay được đánh giá là "ngang tầm thế giới" như: vi phẫu thuật, phẫu thuật cấy ghép,... mà chi phí thì rẻ hơn nhiều các nước trong khu vực. Hay như mới đây, một khoa học trẻ người Việt Nam, anh Lê Viết Quốc (32 tuổi) được tạp chí MIT Technology Review, một trong những tạp chí công nghệ lâu đời nhất nước Mỹ, bình chọn vào danh sách 35 nhà sáng tạo hàng đầu thế giới dưới 35 tuổi của năm 2014.

Tất nhiên, để vươn lên một tầm cao mới, nền khoa học còn cần rất nhiều sự thay đổi tích cực đến từ nhiều phía như sự phát triển của kinh tế (đặc biệt trong ngành công nghệ sản xuất và kỹ thuật chế tạo, CNTT), quy chế quản lý, môi trường nghiên cứu, sự hòa nhập với nền khoa học quốc tế,... Đó là một chặng đường dài, dài như quá trình đẩy lùi sự phi khoa học trong tư duy của số đông người Việt, miếng mồi béo bở của những kẻ kinh doanh rác rưởi thông tin. Dẫu là lâu dài nhưng nếu mỗi người chịu khó suy nghĩ một cách có trách nhiệm khi tiếp nhận thông tin thì mọi việc lại khá là đơn giản. Lấy ví dụ như trong trường hợp "hội nghị Lindau" này, tác giả bài báo và những vị độc giả, nhất là các vị lãnh đạo, quản lý trong ngành giáo dục - đào tạo, khoa học kỹ thuật,... chịu khó tìm hiểu đến nơi đến chốn sẽ thấy rằng có rất nhiều điều có ích hơn là chỉ ngồi "buồn bã" hay mỉa mai. Chẳng hạn, theo quy định của hội này, nếu ứng viên nào cảm thấy đủ 3 điều kiện cơ bản thì liên hệ với các đối tác của hội tại nước mình để đăng ký (bước 2). Hiện tại, trong danh sách các đối tác nghiên cứu khoa học tự nhiên của hội trên toàn cầu hiện nay dường như chưa có tên một cơ quan, tổ chức nào của Việt Nam cả. Với vị trí của mình, các vị có thể giới thiệu, đề xuất cho các cơ quan khoa học, các trường ĐH hay Viện nghiên cứu tìm cách kết giao với tổ chức này, để từ đó hình thành cầu nối giữa các nhà khoa học trẻ Việt Nam với giới hàn lâm quốc tế. Khoa học, xét cho cùng, cũng đơn giản là nỗ lực giải mã các hiện tượng làm mình trăn trở mà thôi.
-----------
© Nguyễn Thanh Tùng
[...]

Categories: , ,
Comments

Ngày 9/10 tại Hà Nội, Đài Truyền hình quốc gia Việt Nam (VTV) đã làm lễ ra mắt chương trình "Chuyển động 24h". Chương trình sẽ được phát sóng trên VTV1 và VTV2, khung giờ 11.15 - 12.00 và 18.30 - 19.00, tiến tới năm 2015, chương trình sẽ trở thành một kênh truyền hình riêng, phát sóng 24h và cập nhật tin tức 30 phút một lần.



Chuyển động 24h được xây dựng trên tiêu chí “chuyển động” cùng thời gian sống hàng ngày gồm mới, nóng, nhanh, thời sự với góc nhìn mới, cách bình luận sắc sảo. Đồng thời, người phụ trách chương trình khẳng định: "Chuyển động 24h sẽ cạnh tranh với các báo mạng về những thông tin trên mạng xã hội được người dân quan tâm nhất”. Ngoài ra, chương trình xây dựng góc nhìn khách quan, xoáy sâu vào trung tâm sự việc, không né tránh, cùng tinh thần bảo vệ lẽ phải, bảo vệ cái tốt, phát hiện và tôn vinh những sự việc, con người, phẩm giá cao đẹp. Chương trình được đầu tư hiện đại, ngang ngửa với thiết bị, cách thức tổ chức sản xuất, xây dựng nội dung, đạo diễn… của các kênh truyền hình như CNN, BBC, NHK…

Với những thông điệp tốt đẹp mà VTV quảng cáo qua lễ ra mắt "Chuyển động 24h". Khán giả hi vọng sẽ được tiếp nhận những thông tin đầy đủ về mọi mặt của đời sống xã hội một cách trung thực, chính xác. Mặc dù vậy , trong những ngày vừa qua, những thông tin mà "Chuyển động 24h" cung cấp hoàn toàn trái ngược với những gì mà họ đã công bố.
Tin tức mà "Chuyển động 24h" cung cấp chiếm phần lớn thời lượng của chương trình hầu hết là những tin giật gân, gây sốc như: bạo lực học đường, nữ sinh đánh nhau, nữ sinh đâm chết người tình, giám đốc bệnh viện say xỉn chửi bới, người dân sống cùng ô nhiễm …. rồi những cái tốt đẹp thì ở tận Châu Âu, Châu Mỹ xa xôi…

Đồng ý rằng, trong xã hội Việt Nam hiện nay rõ ràng còn nhiều hiện tượng tiêu cực xã hội, thế nhưng đó chỉ là một phần trong đời sống xã hội chứ không phải là tất cả. Nhưng nếu thông qua chương trình thì có thể thấy đời sống xã hội đã trở nên tiêu cực, đầy rẫy sự bất ổn, tạo tư tưởng tồi tệ, chán nản, bất mãn trong người dân. Đội ngũ những người làm chương trình, đặc biệt là dẫn chương trình không chuyên nghiệp, tạo cảm giác diễn kịch trên truyền hình, khô cứng, vấp váp, gây thất vọng cho không ít người xem về những kỳ vọng tốt đẹp vào chương trình.

Vấn nạn báo mạng bất chấp tất cả giật tít, câu view nhằm mục đích thu hút khán giả đã gây không ít bức xúc trong người dân và ngay cả trong đội ngũ những người làm báo trong thời gian vừa qua. Thời gian thẩm định thông tin vội vã, viết bài cẩu thả, nhận định hoàn toàn dựa theo cảm tính; đồng thời, nhìn nhận, đánh giá sự việc chỉ ở bề ngoài, phần nổi mà chưa đánh giá đúng bản chất của vấn đề cũng như chưa thể nhận thức được đầy đủ những hậu quả mà mà thông tin cung cấp có thể gây ra đối với dư luận xã hội. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến những dư luận trái chiều, thậm chí phản ứng tiêu cực với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của nhà nước.

Với những gì mà "Chuyển động 24h" đã thể hiện trong những ngày qua; người viết bài cảm thấy thực sự lo ngại về những hậu quả đối với đời sống xã hội mà "Chuyển động 24h" sẽ gây ra khi chương trình này trở thành một kênh truyền hình tin tức như kỳ vọng của những nhà sản xuất. VTV là một đơn vị có tầm ảnh hưởng lớn, tiếng nói có hiệu ứng xã hội tốt. Do đó, với những gì mà "Chuyển động 24h" đang tạo ra, có thể thấy hình ảnh một xã hội Việt Nam đầy tiêu cực, bất ổn trong tư tưởng của người dân sẽ sớm trở thành hiện thực, những hậu quả sẽ rất lớn và lâu dài. Đến lúc đó, VTV sẽ là nguyên nhân không nhỏ của những bất ổn đó và phải biết chịu trách nhiệm với những gì mình đã, đang và sẽ gây ra.
Đây không phải là lần đầu tiên, một chương trình truyền hình của VTV cần phải lên án. Trước đó, một khán giả của VTV đã bức xúc viết bài bình luận trên báo Nhân Dân về chương trình "Giai điệu tự hào". Những nhận xét nông cạn, thiếu hiểu biết, lệch lạc và nhạt nhẽo của một số người được mời tham dự chương trình gây không ít bức xúc trong khán giả. Không ít giá trị truyền thống thông qua những ca khúc đã trở thành niềm tự hào của dân tộc bị xoá nhoà ranh giới giữa thiện và ác, giữa chính nghĩa và gian tà, giữa ánh sáng và tối tăm, giữa đẹp và xấu với sự trợ giúp tích cực của truyền thông. Trên trang facebook của chương trình, một khán giả đã đưa ra ý kiến: "xin chương trình và các nhạc sỹ, ca sỹ , đừng áp đặt "cái tôi" của mình vào mà mất đi cái tinh thần, cái hồn cốt của bài hát, không thể bơm ngực, gọt cằm, nâng mũi ... để thành con manơcanh hoàn hảo đến từng milimet, nhưng vô hồn, mà lại nói rằng : "làm mới" để phù hợp với thị hiếu của khán giả trẻ. Tôi cho đó là một sự xúc phạm, kém hiểu biết".

Là một cơ quan truyền thông quốc gia, với vị thế của mình, VTV có những định hướng và chiến lược phát triển lâu dài xứng đáng với tầm vóc của mình trong hệ thống truyền thông; cao hơn nữa là nhằm phục vụ các mục tiêu chính trị của Đảng và Nhà nước. Thế nhưng, những chương trình mà VTV xây dựng không có tính chọn lọc, chạy đua theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận nhỏ trong xã hội gây không ít thất vọng trong khán giả của VTV. "Đẳng cấp" của VTV là ở một vị trí khác, chứ không phải đẳng cấp theo kiểu "cạnh tranh với báo mạng" bằng bất cứ một tiêu chí, lý do gì.

Một xã hội có phát triển tốt đẹp, có thực sự dân chủ phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống truyền thông báo chí. Vai trò của nhà báo, của các cơ quan thông tấn là phải cung cấp thông tin một cách khách quan, trung thực, đa chiều về mọi mặt của đời sống xã hội chứ không chỉ có đưa những thông tin tiêu cực và sai trái. Tuy nhiên, khách quan và trung thực không có nghĩa là điều gì cũng có thể đưa lên một cách thô mộc, không được chỉn chu; bởi với một đất nước như Việt Nam, báo chí phát triển mạnh mẽ, song vẫn cần phải nằm trong khuôn khổ luật pháp nhất định, phục vụ cho những yêu cầu phát triển của đất nước. Hơn lúc nào hết, các cơ quan báo chí, đặc biệt là VTV cần phải xác định tư tưởng "Lấy đại cuộc làm trọng" để xác định hướng đi, cách làm cụ thể trong việc cung cấp thông tin của mình đến đại đa số quần chúng nhân dân.
Củ Hành
[...]

Categories: , ,