• RSS
  • Facebook
  • Twitter
Comments

Ông Nam Đồng, gần 20 năm trước, bảo phóng viên: "Trồng cây đậu bắp thì một tháng có ăn, trồng lúa thì ba bốn tháng, trồng cây ổi cây xoài mất mấy năm, còn trồng những cây danh mộc thì chục năm, trăm năm. Thành công không có chỗ cho thói ăn xổi. Phải biết trồng cây ngắn ngày làm lương thực nhưng đừng quên là hông có cây đậu bắp nào tồn tại lâu!"

Mình làm báo đã 20 năm. Không phải ỷ làm lâu năm rồi lên mặt, chứ mặt bằng chung của các nhà báo hiện nay đang đi xuống và phân hóa rất rõ. Một số ít các bạn học hành bài bản, giỏi ngoại ngữ, có cơ hội bứt phá và phát triển rất nhanh, một số -đông áp đảo- đơn thuần là những cái máy đánh chữ và chụp ảnh dạo. Vì sao?


Tuyển chọn dễ dãi:

Đây là cơ hội nghề nghiệp nhưng cũng là vấn nạn. Nguyên nhân đầu tiên là sự bùng nổ của truyền thông đa phương tiện khiến các cơ quan báo chí cần người. Hai mươi năm trước đây, việc tuyển chọn và đào tạo rất khắt khe, nhiều tờ báo thử thách CTV trước khi ký hợp đồng gắt không kém việc người ta thử thách quần chúng trước khi kết nạp đảng trong chiến tranh. Còn nay, thử việc một tháng là có thể được nhận. Có một số tờ gắt gao nhưng thời gian ấy cũng chỉ chừng hơn 1 năm, nhưng số này cực hiếm.

Thiếu kiến thức nền:

Cùng một sự kiện, một nhà báo có kiến thức và văn hóa dày chắc chắn sẽ khai thác sự kiện sâu hơn, viết bài hấp dẫn hơn; cùng một cuộc phỏng vấn, một nhà báo am hiểu vấn đề sẽ tranh luận, chất vấn, căn vặn thay vì nói như năn nỉ: “xin anh cho biết” hoặc “xin anh cứ cho biết nữa đi mà”. Một nhà báo giỏi sẽ buộc nhân vật phải lên tiếng, biết cách đặt trách nhiệm vào tay quan chức và đưa ra những cảnh báo: sự im lặng hoặc lấp liếm của quý vị sẽ được công chúng phán xét. Ngược lại, một nhà báo thiếu kiến thức lẫn bản lĩnh sẽ rơi vào các trường hợp: sợ mất lòng, mất quan hệ; không biết hỏi gì. Rốt cuộc anh ta hoặc không có bài, hoặc trở thành loa phát ngôn cho nhân vật.

Không biết liên tưởng:

Nhiều phóng viên chỉ có khả năng mô tả vụ việc nhưng không gom được các sự kiện hoặc hiện tượng đồng dạng để xâu chuỗi thành vấn đề. Khả năng khái quát và phân tích quá kém của họ đang là vấn nạn của các tòa soạn. Có phóng viên làm 4 năm rồi, năng suất giảm đi so với thời làm cộng tác viên, nhưng chưa bao giờ thấy anh ta viết được một bài hay hoặc thực hiện được một cuộc phỏng vấn đúng nghĩa. Nhiều lần mình hỏi: "Anh nghĩ ba năm nữa anh trở thành cây bút như thế nào?". Anh ta chỉ gãi đầu. Mà theo kinh nghiệm của mình, ba năm đầu tiên đủ định hình phong cách và tạo dấu ấn, nếu phát triển tốt, thành công sẽ nhân lên. Còn nếu không, có học thêm năm chục cái bằng thì cũng khó mà thành nhà báo giỏi.

Đại tá chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng TP.HCM trực tiếp đến Báo Pháp Luật TP.HCM tiếp thu và sau đó xửu lý hàng loạt cán bộ chiến sĩ biên phòng Cảng SG nhũng nhiễu tàu hàng. Để thực hiện tuyến bài này, năm 2002, các PV Thuy Bình, Đức Thọ đã cải trang thành "thực tập sinh thủy thủ tàu sông loại 1" để tiếp cận và ghi nhận.
Lười suy nghĩ, đào bới:

Phóng viên trẻ, thỉnh thoảng ngồi uống bia, hay so bì: “Bây giờ nhiều báo ra quá, ngày xưa báo cách nhật, giờ cạnh tranh từng phút, có một cái đề tài thì cả trăm đứa châu vào, không dễ như thời các anh!”.

Mình hỏi: "Sao cậu không tìm những đề tài mà ngoài cậu ra, ai đó có muốn cạnh tranh cũng không được?". Bạn ấy hỏi: “Làm gì có đề tài nào như thế?”.

Thời nào cũng có cái dễ và cái khó riêng. Cuộc sống phong phú như thế thì nhà báo không bao giờ hết đề tài. Mỗi ngày có bao nhiêu câu chuyện trên thế giới này, đất nước này có thể thành đề tài báo chí. Vấn đề là nhà báo có đủ lăn lộn và quan sát để nhìn ra nó hay không mà thôi! Đành rằng thời nay việc độc quyền xuất bản tin tức của các nhà báo đã bị xóa sổ khi ai cũng có một tài khoản facebook và cái smart phone trên tay. Tuy nhiên nếu nhìn theo chiều ngược lại, sự cạnh tranh đó cũng là cơ hội cho những suy nghĩ độc đáo của từng cá nhân, nó đưa anh vượt lên khỏi đám đông chen chúc trong các cuộc họp hay săn tin xe cán chó.

Mình lái xe đi tỉnh cùng bạn nhà báo ấy. Trước mặt là mấy chiếc xe County 24 chỗ có dán decal: Xe thăm nuôi Z30D. Mình chỉ: "Đề tài kìa!". Y hỏi: "Đề tài gì anh?". Mình nói thử hai lần ngồi lên chuyến xe ấy, cậu sẽ có tư liệu để viết một cái hồ sơ hoặc loạt phóng sự xúc động. Mình kể cho cậu ta nghe hồi đó trên một chuyến xe như thế, mình thấy một bà cụ lần trong túi ra hai tấm ảnh, một đen trắng, một ảnh màu. Bà kể: cái hình trắng đen là hình thằng con đang ở trại tù, cái hình màu là con trai nó vừa thôi nôi. Ngày vợ sắp đẻ, anh chồng uống rượu say và xách dao đâm người hàng xóm, anh ta bị bắt mà chưa biết mặt con mình, rồi bà kể cô con dâu mới sinh xong ba tháng đã đi làm thuê tách vỏ hạt điều kiếm tiền nuôi con và gửi thăm nuôi chồng. Những chuyến xe thăm nuôi nối hai thế giới, giữa tự do và song sắt, là đề tài.

Anh bạn hỏi: "Thế mất bao lâu để viết được cái loạt bài ấy?". Mình nói một tháng hoặc vài năm. Một tháng nếu tập trung làm, vài năm nếu làm theo kiểu tích lũy, như mình. Mình có thói quen ghi chép kỹ và lưu giữ những cuốn sổ. Khi cảm xúc và tư liệu đã đủ, mình lật chừng chục cuốn sổ ra, gom các tư liệu cùng đề tài lại, lật các file ảnh trong máy tính rồi đi thực tế lần cuối để xem các nhân vật ấy giờ ra sao, và mất chỉ 1 tuần để viết. Mình nói với bạn ấy: "Tôi có hàng chục câu chuyện như thế ở hàng chục trại từ Tân Phước, Z30 A,D, Nam Hà...!".

Anh ta trả lời: Thế thì mất công quá!
[next]
Thiết lập kênh phải hồi

Một bài báo viết ra, không có phản hồi, là bài báo vô tác dụng
Một bài báo viết ra, có phản hồi nhưng tác giả hoặc tòa soạn không nắm được, là tác giả và tòa soạn kém.

Chắc không phải riêng mình mà nhiều anh chị làm tòa soạn khác cũng từng nhiều lần tức điên khi dồn sức làm một bài đình đám, nhưng đến khi có phản hồi tích cực thì báo khác đăng mất. Viết về một vụ sai phạm, tới chừng khởi tố thì báo bạn đăng, còn phóng viên tác giả bài báo thì không hay biết.

Phản hồi, phải hiểu là một tổng thể các thông tin bao gồm những dư luận, phản ứng của người liên quan, động thái xử lý của cơ quan chức năng, những hoạt động chỉ đạo điều hành liên quan đến nội dung bài báo ấy. Rất tiếc, hiện nay nhiều phóng viên chỉ coi “phản hồi” là việc nhận văn bản trả lời của cơ quan liên quan (sau khi họ đã bàn bạc, gia giảm, đối phó và cân nhắc từng chữ). Nhiều bạn quên rằng việc bám sát và thúc đẩy những động thái tích cực của cơ quan chức năng mới tạo ra thay đổi thật sự sau bài báo, mới là mục đích mà nhà báo cần hướng tới.

Năm 1997, nhà báo Hoàng Hùng (sau qua báo Người Lao Động, đã qua đời) viết một loạt bài về tiêu cực của một nhóm CSGT Đường thủy trên sông Tiền. Tòa soạn giao mình đi hỗ trợ. Hai anh em phân công nhau anh Hùng viết chuyện tiêu cực dưới sông, mình viết về động thái xử lý của công an Tiền Giang sau bài báo. Công an mà họp xử lý cán bộ thì kín như bưng. Mình mới ra trường, chả quen ai, lân la ba ngày nghĩ cách moi tin không được, bèn đi gặp người quen là luật sư L ở Mỹ Tho rủ uống bia. Anh L nói chiều tớ đi nhậu với Hùng liều- một đại gia nuôi tôm ở Vàm Láng và mấy đối tác làm ăn của ông ấy.

Trại tôm của Hùng liều liên kết làm chung với phòng hậu cần công an tỉnh, chắc cuộc nhậu phải có vài ông cán bộ cấp lãnh đạo phòng. Minh đu đeo theo nhậu ké. Trong cuộc nhậu,có người nhắc đến bài báo của Hoàng Hùng. Ông X nói: “Ông Tư Bốn đang đi Hà Nội nhận cờ luân lưu của chính phủ, ổng gọi về chửi trưởng phòng PC25 (phiên hiệu của CSGT đường thủy) như con. Ổng nói nội trong tuần, PV24 (thanh tra công an tỉnh) phải làm rõ và sẽ cho mấy tay bị báo viết đi chăn bò hết”.

Kiểm tra chéo các nguồn xong, mình làm cái tin: “Giám đốc CA Tiền Giang chỉ đạo xử lý nghiêm”, Hoàng Hùng sướng lắm. Mấy hôm sau, thêm cái tin: 5 CSGT bị kỷ luật, chuyển về phòng hậu cần, trong tin nói rõ là đi nuôi bò ở trại chăn nuôi của phòng hậu cần ở Long Thành, Đồng Nai. Ông Hai Bài (Đại tá Võ Tấn Bài, PGĐ Công an tỉnh) sau này có lần hỏi mình sao cái gì mày cũng biết vậy? Mình nói thì mấy anh cung cấp chớ ai.

Hồi đó, mình viết một loạt bài về án oan. Bài đầu viết một người xích tay vào cổng nhà ông Trịnh Hồng Dương và ra điều kiện chỉ mở xích khi Chánh án đọc đơn kêu oan của anh ấy. Nộp một tuyến 5 bài, chờ mãi hông thấy đăng, hỏi anh Chương Tổng TKTS, ổng nói ông Nam Đồng bảo từ từ. Mình hơi sốt ruột. Ông Nam Đồng nói bài này phản hồi chắc luôn. Mà chắc thiệt. Buổi sáng quốc hội chất vấn các cơ quan tố tụng, tòa soạn cho đăng. Trước đó báo trước nên mình liên hệ trước với vụ Thông tin – Thư viện VP Quốc hội đề nghị tặng 200 tờ báo cho đại biểu. Vào buổi chất vấn, mỗi ông cầm trên tay một tờ báo. Cái tựa bài chiếm nửa trang nhất. Bài báo sau đó biến thành tư liệu để các đại biểu chất vấn Chánh án TAND TC về việc giải quyết khiếu nại xin giám đốc thẩm.

Họp giao ban, mình hay hỏi các phóng viên an ninh trật tự thân quen ai ở PV.11 (văn phòng công an tỉnh, thành) và khá thất vọng khi đa số trả lời "Em không quen ai ở đó!". Thật sự PV.11 là một cái mỏ vàng, tất cả những thông tin phản hồi liên quan đến hoạt động nghiệp vụ, kết quả phá án và xây dựng lực lượng CAND đều qua cửa này, nhưng các bạn phóng viên thường chỉ chú ý đến các phòng nghiệp vụ.

Mình nhớ hồi đó ở Hà Nội có hẳn một nhóm phóng viên làm gì thì làm, đầu buổi sáng và cuối buổi chiều đều ghé qua Trung tâm Thông tin- Báo chí của Bộ CA ở 20 Phan Bội Châu (bên cạnh chùa Quán Sứ). Trò chuyện qua lại, rất nhiều những đề tài thu thập được từ đó, và tác động hay thu nhận những phản hồi nhanh nhất cũng từ đó. Chân thành và cầu thị, họ quý đến nỗi có lần các anh chị ở đó còn tổ chức một bữa tiệc sinh nhật ở quán bia hơi cho PV Bình An. Không biết bây giờ cái Trung tâm ấy còn không, những nguồn tin và bạn bia hơi một thời của mình với Đào Tuấn và Phạm Hiếu.

Lái xe, trợ lý của các sếp lớn đều có thể có những thông tin quý để từ đó nhà báo đón đầu thông tin phản hồi và thúc đẩy xử lý. Sẽ rất khó khăn nếu nhà báo alo cho một sếp lớn để hỏi: “Đề nghị anh cho biết vụ việc ABCD đã giải quyết tới đâu?” Thông thường họ sẽ khất và bảo chờ. Nhưng nếu nắm được một phần thông tin, bạn có thể hỏi: “Về chuyện đó, bữa anh có chỉ đạo như thế, hiện nay cái văn bản chỉ đạo anh ký chưa?”. Câu hỏi sau sẽ hiệu quả hơn nhiều.

Nhiều năm làm phóng viên, mình nghiệm ra một điều: Đừng đặt câu hỏi với ai khi bạn không có “vốn đối ứng” về thông tin, chỉ tay trắng và đầu rỗng. Khi bạn có một chút vốn thông tin, họ sẽ nể bạn hơn và có cảm giác đang được chia sẻ. Còn ngược lại, họ vừa cảnh giác nghi ngờ vừa có cảm giác bị nhà báo làm phiền! Nhiều lần thế họ né bạn luôn cho khỏe!
Nhà báo Nguyễn Đức Hiển
(Tổng thư ký tòa soạn báo Pháp luật TPHCM)

Categories: ,

One Response so far.

  1. Unknown says:

    cám ơn bạn về bài viết. Mời bạn ghé qua website ủng hộ mình nhé Gia sư Toán lớp 9 tại Hà Nội

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))